Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là di tích cấp quốc gia

Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (1949) - cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.


Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam. (Ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam)
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam. (Ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam)

Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) được xếp hạng di tích lịch quốc gia.

Thông tin trên được nêu rõ tại Quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL (về việc xếp hạng di tích quốc gia) của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Theo đó, Ủy ban Nhân dân các cấp nơi có di tích được xếp hạng thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời vào tháng 4/1949. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam và cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Theo thông tin từ Hội Nhà báo Việt Nam, Ban lãnh đạo Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng lúc đó do Tổng bộ Việt Minh trực tiếp chỉ định, bao gồm: nhà báo Đỗ Đức Dục (Giám đốc), nhà báo Xuân Thủy (Phó Giám đốc) và các nhà báo Như Phong, Đỗ Phồn, Tú Mỡ (Ủy viên).

Bên cạnh đó, tham gia công tác đào tạo, giảng dạy tại đây còn có nhiều nhà lãnh đạo, nhà báo, nhà văn hóa nổi tiếng như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Xuân Thủy, Hà Xuân Trường, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Như Phong, Từ Giấy, Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Hải, Trần Đình Thọ, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Nam Cao…

Khóa đào tạo đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng khai giảng ngày 4/4/1949, bao gồm 42 học viên (đến từ các tòa soạn báo trung ương, quân đội, các ban, ngành, đoàn thể, liên khu…).

Chủ tịch Hồ Chí Minh hai lần gửi thư động viên, định hướng chi tiết nghiệp vụ làm báo cách mạng cho tập thể cán bộ, học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Trong bức thư (đề ngày 9/6/1949) của Bác có đoạn viết: “Lớp học này là lớp học viết báo đầu tiên. Tôi mong các chú và các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu: ‘Tất cả để chiến thắng’.”./.

Theo Vietnamplus
Bình luận
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
Thắp lên nhiệt huyết của giáo viên mầm non nhờ chính sách
(Ngày Nay) - Trong bối cảnh hiện nay, việc thu hút và giữ chân giáo viên mầm non là một thách thức lớn đối với nhiều địa phương. Tại tỉnh Tây Ninh, tình trạng thiếu giáo viên mầm non đang trở thành một vấn đề nan giải, mặc dù ngành Giáo dục đã nỗ lực tuyển dụng.
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
Điện ảnh Việt: Học hỏi để chuyển mình
(Ngày Nay) - Điện ảnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn chuyển mình quan trọng, khi sự cạnh tranh không chỉ dừng lại ở những tác phẩm nội địa mà còn đối diện với làn sóng mạnh mẽ từ các nền điện ảnh châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản.