Khó khăn chồng chất
Hà Nội là vùng đất phát triển kịch nói rất sớm. Có một thời kỳ kịch nói Hà Nội đã từng vang danh suốt thời gian dài. Cái thời mà các kịch bản của Lưu Quang Vũ và tài năng của các đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng và nhiều nghệ sĩ cùng thời khiến khán giả cả nước xếp hàng rồng rắn mua vé xem kịch Hà Nội. Cuộc sống nhiều đổi thay, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cũng khác đi, kịch nghệ Hà Nội không còn mạnh mẽ như trước. Hầu như các đoàn kịch Hà Nội đều thuộc nhà nước nên có bầu sữa ngân sách. Vậy nên, việc các đoàn làm tốt nhiệm vụ chính trị xem như hoàn thành. Kịch Hà Nội hầu như không còn ý nghĩa trọn vẹn của việc kinh doanh sân khấu kịch kiểu kinh tế thị trường.
TPHCM rất khác, cơ chế xã hội hóa sân khấu vào đầu những năm 1990 biến vùng đất này thành một trung tâm kịch nghệ sôi động. Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần đi tiên phong và tạo nên một phong cách kịch thể nghiệm hay và đẹp, khiến công chúng say mê. Trước đó, TPHCM có nhiều đoàn kịch nhà nước đang rất hấp dẫn công chúng, bỗng dưng mất sức hút. Chính sách xã hội hóa sân khấu và sự xuất hiện của 5B là một bước đột phá thổi vào đời sống kịch TPHCM một sức sống mới, với chủ đề đa dạng, mới lạ và thủ pháp nghệ thuật được thể nghiệm độc đáo. Từ đó, nhiều sân khấu tư nhân xuất hiện. Đầu tiên là Idecaf, rồi tới Hồng Vân. Tất cả đều thành công doanh thu nên kích thích nhiều sân khấu khác ra đời tiếp nối.
Thế Giới Trẻ dựng Ông già đoàn lô tô chứng minh sân khấu này vẫn chú trọng kịch tâm lý |
Đến một lúc, đời sống sân khấu kịch nói gặp thách thức dữ dội từ gameshow truyền hình, và nhiều nhu cầu giải trí hiện đại khác. Lúc này, đã có nhiều sân khấu phải trả vé vì lượng người xem quá ít ở mỗi suất diễn. Vài sân khấu đóng cửa, lâu lâu vài sân khấu mới mọc ra và lại đóng cửa. Các ông bầu sân khấu cầm cự được bền bỉ vì quá đam mê, hoặc là họ vẫn còn khả năng duy trì nhờ nguồn thu khác. Khi dịch Covid-19 bùng nổ sân khấu đóng cửa. Nghệ sĩ sân khấu lúc này chẳng còn biết tương lai của mình về đâu. Khi dịch bệnh qua đi, sân khấu mở cửa lại và thật kỳ diệu nhiều sân khấu đã bùng nổ. Lượng khán giả xem kịch đông đến mức khiến nhiều ông bà bầu bất ngờ. Thể loại kịch nào cũng có người xem.
An Thi, bà bầu Sân khấu Thế Giới Trẻ nhớ lại: “Hình như cuối năm 2022 đầu 2023 thì sân khấu được phép sáng đèn trở lại. Chúng tôi mừng nhưng sợ khán giả còn ngại đám đông nên mở cửa dè chừng. Không ngờ các bạn đã đến ủng hộ ngoài sức tưởng tượng, hầu như suất nào cũng cháy vé. Tôi có tìm hiểu lúc ấy vài sân khấu khác cũng thuận lợi như thế. Tuy nhiên, nhiều sân khấu vẫn còn ì ạch đến hiện tại. Nói cách khác, trong tình hình hiện tại vẫn có nhiều sân khấu sống được, nhưng nhiều sân khấu vẫn gặp nhiều khó khăn. Sự hồi sinh của kịch nghệ tại phía Nam không chia đều cho tất cả”.
Bùng nổ bất ngờ
Cuối năm 2023 đầu năm 2024, sân khấu TPHCM diễn ra vài sự kiện đặc biệt. NSƯT Minh Nhí sau khi thất bại với sân khấu đầu tiên, đã kết hợp với Việt Hương khai trương sân khấu Trương Hùng Minh. Đối tượng chính mà anh nhắm tới là khán giả trẻ thích sự vui vẻ, dễ hiểu có chút yếu tố giới tính. Sân khấu thành công bất ngờ từ kịch thiếu nhi lẫn người lớn. NSƯT Thành Lộc tách khỏi Idecaf thành lập sân khấu Thiên Đăng. Trước đó, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Idecaf mở thêm Nhà hát Thanh Niên, và NSƯT Vũ Xuân Trang thành lập sân khấu Xóm Kịch. Nghĩa là xét về số lượng, sân khấu tăng lên còn về doanh thu thì Sân khấu Thế Giới Trẻ, Nhà hát Thanh Niên, Nhà hát Idecaf, sân khấu Thiên Đăng gần như luôn cháy vé. Điều này tạo nên một cảm nhận xuất hiện sự hồi sinh có tính bùng nổ của sân khấu TPHCM tiếp diễn từ năm 2023 sang năm 2024.
Một dấu ấn đặc biệt là Liên hoan sân khấu kịch TPHCM năm 2024 - Khát vọng phương Nam. Liên hoan này là động lực để xuất hiện thêm nhiều đơn vị mới, tiêu biểu như sân khấu Trăng của đạo diễn Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Được biết NSND Trịnh Kim Chi đang bàn bạc cùng nghệ sĩ Trung Dân tiến hành xây dựng dòng kịch mang đậm âm hưởng Nam bộ từ đầu năm 2025. Thành công của liên hoan được thấy qua lượng khán giả đến xem vở và kết quả chấm điểm đánh giá khá chính xác.
Cơn mê cuối cùng là một vở gây dấu ấn của sân khấu Hoàng Thái Thanh năm 2024 |
Từ đây, các sân khấu đã thầm hiểu rằng tương lai sẽ còn tham gia thêm các kỳ liên hoan do chính TPHCM tổ chức. Xét về chất lượng các vở diễn, nghệ sĩ Trung Dân chia sẻ: “Theo quan điểm cá nhân, tôi thấy sân khấu kịch TPHCM năm 2024 có nhiều tác phẩm hay theo đúng nghĩa kịch văn học, kịch tâm lý có chiều sâu. Những vở diễn theo phong cách ấy sẽ duy trì được vẻ đẹp cho sân khấu kịch được gọi là phong cách kịch Nam bộ. Tôi không xem các vở diễn dành cho tuổi teen, nhưng có tìm hiểu biết rằng thể loại này cũng được các em, các cháu ủng hộ. Tuyệt vời là cả kịch tâm lý dành cho trung niên, lẫn kịch cho giới trẻ đều thành công doanh thu. Đây là điều rất đáng mừng”.
Điểm lại những vở hay ghi dấu ấn trong năm 2024 gồm Dưới bóng giai nhân, Đức tả quân thượng công Lê Văn Duyệt – người mang 9 án tử, Má ơi Út dìa của Nhà hát kịch Idecaf. Sân khấu Thiên Đăng thành công với hầu hết các vở đã ra mắt, tiêu biểu gồm: Giáng Hương, Chuyến đò định mệnh, Những con ma nhà hát. Sân khấu Hoàng Thái Thanh chinh phục khán giả với Cơn mê cuối cùng, Lạc ở đáy sông gần như cháy vé toàn bộ kịch mục đã diễn.
Hiện tại, tất cả các sân khấu đã chuẩn bị xong kịch mục Tết Ất Tỵ 2025. Thế Giới Trẻ ra mắt 4 vở gồm Đại náo thành Bombai, Anh trai say bye, Ông già đoàn lô tô, Căn nhà ma quái. Sân khấu Hoàng Thái Thanh ra mắt vở mới Tóc mai sợi vắng sợi dài và tái diễn những vở hay được yêu cầu. Sân khấu Thiên Đăng phục vụ vở tết 13 đức thầy và các vở hay trong năm được yêu cầu. Các sân khấu còn lại cũng đã hoàn thành tất cả kịch mục mới chuẩn bị cháy hết mình cùng khán giả trong những ngày đầu Xuân.