Làn sóng dịch bệnh thứ hai không chỉ gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân tại các vùng đô thị lớn. Tại khu vực nông thông hẻo lánh, với số lượng bác sĩ và cơ sở y tế hạn chế, người dân cũng đang phải tự vùng vẫy để sống sót trước thảm họa dịch bệnh.
Làng Chogath nằm ở phía tây bang Gujarat và là nơi sinh sống của khoảng 7.400 người. Theo dược sĩ Jeetu, hiện nơi này có khoảng 500-600 bệnh nhân mắc COVID-19, trong khi số ca tử vong thì tăng đột biến.
Tuy nhiên, không có một bác sĩ hay cơ sở y tế nào nào trong làng và thành phố gần nhất cách đó hơn một giờ đi xe.
Khi không có ai để dựa vào, người dân trong làng đành phó thác mạng sống của họ vào Jeetu.
"Không có ai ở đây, không có trung tâm y tế, không có bác sĩ, không có y tá", vị "bác sĩ: bất đắc dĩ nói. "Mọi vấn đề đều do tự tôi quyết định lấy".
Ông Jeetu - vị "bác sĩ" bất đắc dĩ tại làng Chogath. Ảnh: CNN |
Ấn Độ đang đối phó với một cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Hiện nước này đã ghi nhận gần 23 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 249.000 người tử vong, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.
Với nhiều người dân tại Chogath, nếu không thể cầu cứu Jeetu, họ sẽ phải đi xa hơn nữa để tìm sự giúp đỡ.
Dinesh Makwana, một cư dân Chogath, cho biết anh đã đưa cha mình tới 4 cơ sở y tế gần làng nhất, nhưng chẳng nơi nào còn thừa giường bệnh, buộc anh phải đưa cha quay trở về nhà.
"Cả làng đều sợ hãi trước tình cảnh hiện tại", Makwana nói. "Tôi cũng rất sợ hãi khi nghĩ tới việc cha mình khó qua khỏi".
Nhờ được Jeetu kê thuốc, tình trạng của cha Makwana đã ổn định, tuy nhiên tới lượt mẹ và chị gái của anh cũng nhiễm bệnh.
Ông Girjashankar, một cư dân 70 tuổi tại Chogath, cũng là người làm nhiệm vụ hỏa táng cho người làng.
Thông thường, ngôi làng này chỉ có khoảng 30 người chết mỗi năm, nhưng chỉ trong tháng qua, ông Girjashankar đã hỏa táng 90 thi thể.
Lò hỏa táng tại làng Chogath. Ảnh: CNN |
Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế bằng cách gửi oxy y tế và phân phối hàng viện trợ quốc tế tới các tiểu bang. Nhưng tình trạng khan hiếm khiến số hàng viện trợ chủ yếu được phân phối tại các thành phố lớn, khiến những ngôi làng như Chogath phải sống dựa vào chính mình khi dịch bệnh tràn tới.
"Không có hàng viện trợ, không có bác sĩ, không có cách nào để đến các bệnh viện lớn hơn", ông Girjashankar nói. "Không có ai biết tới nơi này".
Dược sĩ Jeetu tỏ ra phẫn nộ trước tình cảnh bị chính quyền ngó lơ: "Chúng tôi không có cách nào khác, người dân ở đây rất nghèo".
Trong khi đó, dân làng Chogath không còn cách nào khác là chờ đợi sự giúp đỡ và cầu nguyện cho những người bệnh và người đã khuất.