Ngày 23/6, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã công bố một báo cáo về tình hình giáo dục ở khu vực Mỹ Latinh, cảnh báo sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã khiến cho chất lượng giáo dục đối với trẻ em thụt lùi tới 10 năm.
Theo nghiên cứu của các tổ chức quốc tế trên với sự phối hợp của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), đại dịch COVID-19 khiến cho các trường học buộc phải đóng cửa, chất lượng giảng dạy đi xuống trong suốt hai năm qua gây tác động tiêu cực tới trình độ của các em học sinh, đặc biệt là trong các môn đọc hiểu và toán, hai môn cơ bản trong giáo dục tiểu học.
Trưởng nhóm nghiên cứu Emanuela Di Gropello cho biết, Mỹ Latinh đã trải qua một giai đoạn khủng hoảng giáo dục trước khi COVID-19 xuất hiện và đại dịch này đã khiến cho sự suy giảm chất lượng càng trở nên trầm trọng hơn. Theo số liệu thống kê, cứ 4 trong 5 học sinh 11 tuổi (tương đương 80%) không có khả năng hiểu và phân tích một cách phù hợp những bài đọc cơ bản cho độ tuổi này.
Thống kê của WB chỉ rõ, khoảng 170 triệu học sinh ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe chỉ tiếp nhận khoảng 50% thời lượng học trực tiếp kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cho đến nay. Những đối tượng bị ảnh hưởng đặc biệt là trẻ em ở cấp tiểu học và thuộc tầng lớp thấp trong xã hội.
Các nhà nghiên cứu cũng khuyến nghị cần phải mở cửa trở lại một cách “an toàn và bền vững” tất cả các trường học và cho phép tất cả các học sinh được đăng ký mà không có ngoại lệ, cũng như hạn chế tối đa tình trạng bỏ học nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với giáo dục trong hai năm qua.
Ngoài ra, báo cáo cũng đề xuất rằng chương trình giảng dạy ở các trường nên ưu tiên các kỹ năng cơ bản như đọc, viết và làm toán, đồng thời các giáo viên phải đánh giá lại trình độ của từng học sinh để xác định ảnh hưởng của đại dịch để triển khai các chiến lược và chương trình cụ thể.