Sách giáo khoa ở Mỹ phần lớn do giáo viên chọn

(Ngày Nay) - Hệ thống giáo dục của Mỹ bắt đầu từ lớp mẫu giáo, sau đó là 12 năm giáo dục tiểu học và trung học, đây là điều kiện bắt buộc để học sinh được nhận vào bất kỳ trường cao đẳng hoặc đại học nào trong tương lai.
Sách giáo khoa ở Mỹ phần lớn do giáo viên chọn

Mỹ chấp nhận tất cả các loại hình giáo dục

Trẻ em tại Mỹ sẽ tự ghi danh vào một hệ thống giáo dục khi lên 5-6 tuổi. Trẻ có thể học tại nhà, hoặc trường tư thục hay công lập tùy vào ý định của gia đình, nền giáo dục Mỹ chấp nhận tất cả các loại hình học tập.

Ở Mỹ, năm học bắt đầu vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 hằng năm và kết thúc vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.

Cấp Tiểu học:

Ở cấp độ này, một học sinh sẽ trải qua tổng cộng 5 lớp, tương tự như tại Việt Nam. Khoảng thời gian 5 năm này sẽ tập trung vào việc giới thiệu cho trẻ những kiến thức đa dạng, các kỹ năng học tập như đọc, viết và các kiến thức xã hội cở bản để các em vận dụng tốt trong tương lai.

Giống như tại nhiều quốc gia khác, học sinh Tiểu học tại Mỹ sẽ được dạy những kiến thức cơ bản về toán học, tiếng Anh, khoa học, nghiên cứu xã hội, phát triển thể chất và mỹ thuật.

Cấp trung học:

Học sinh sau khi hoàn thành chương trình Tiểu học sẽ tiếp tục ghi danh vào các trường Trung học cơ sở (Junior high school) rồi tiếp đó là Trung học phổ thông (Senior high school).

Bậc Trung học cơ sở sẽ kéo dài trong 3 năm: từ lớp 6 cho tới lớp 8; Bậc Trung học phổ thông sẽ kéo dài từ lớp 9 cho tới lớp 12.

Các môn học bắt buộc được giảng dạy trong các trường trung học Mỹ bao gồm 4 lĩnh vực chính:

Khoa học (Sinh học, Hóa học và Vật lý); Toán (Thống kê, Đại số, Hình học và Giải tích); Tiếng Anh (Ngôn ngữ nói, Cổ văn, Văn học và Sáng tác); Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý và Kinh tế).

Hầu hết các bang đều bắt buộc có các khóa học về sức khỏe để học sinh học về cách sơ cứu, dinh dưỡng, tình dục và nhận thức về ma túy. Các môn nghệ thuật, ngoại ngữ và thể dục cũng được một số trường đưa vào chương trình giảng dạy bắt buộc.

Cấp đại học:

Các trường đại học của Mỹ cung cấp bằng cao đẳng (2 năm) hoặc bằng cử nhân (4 năm) theo lĩnh vực nghiên cứu cụ thể. Quá trình nghiên cứu cụ thể này được chia thành các chuyên ngành.

Các bằng cử nhân phổ biến nhất là Cử nhân Nghệ thuật (B.A.); Cử nhân Khoa học (B.S.); Cử nhân Mỹ thuật (B.F.A.); Cử nhân Công tác xã hội (B.S.W.); Cử nhân Kỹ thuật (B.Eng.); Cử nhân Triết học (B.Phil.); Cử nhân Kiến trúc (B.Arch.)

Sau Đại học:

Sau khi hoàn thành các khóa học đại học, sinh viên có thể tiếp tục nghiên cứu bằng cách theo học bằng thạc sĩ kéo dài 2 năm.

Hoàn thành xong bằng thạc sĩ, sinh viên có thể tiếp tục theo đuổi con đường học vấn của mình hơn nữa trong một lĩnh vực cụ thể với bằng tiến sĩ. Dựa trên khóa học đã chọn, khả năng của sinh viên và luận án đã chọn, thời gian để hoàn thành bằng tiến sĩ là từ 3 đến 6 năm.

Sách giáo khoa ở Mỹ phần lớn do giáo viên chọn ảnh 1

Ảnh minh họa

Học sinh Mỹ không bỏ tiền mua SGK

Nhìn chung, có rất nhiều loại sách giáo khoa tại Mỹ do các nhà xuất bản nổi tiếng cung cấp như Pearson, McGraw-Hill, Houghton Mifflin,… Mỗi trường hoặc rộng hơn là các học khu sẽ trực tiếp đàm phán với các nhà xuất bản để lựa chọn bộ sách giảng dạy cho học sinh, tương tự như việc các bác sĩ hoặc bệnh viện sẽ quyết định mua thuốc gì theo lời chào mời của các hãng dược phẩm.

Việc lựa chọn sách phụ thuộc vào chính giáo viên, sau đó là chủ đề được nghiên cứu. Các giáo viên tiếp tục xem xét cá nhân học sinh có phù hợp với loại sách đó không.

Theo Laura Riggs – người có hơn 30 năm kinh nghiệm dạy học, đối với một số trường thì sách giáo khoa là nguồn tư liệu giảng dạy chính trên lớp.

“Học sinh tại Mỹ không phải bỏ tiền mua sách giáo khoa mà sẽ được phát ngay tại lớp học, tuy nhiên cuối buổi học sách sẽ được thu lại. Phần lớn học sinh chỉ sử dụng sách bài tập”, Riggs nói.

Tùy thuộc vào chất lượng của sách giáo khoa và cách giáo viên thích dạy, sách giáo khoa thậm chí có thể không được sử dụng. Nếu đó là một cuốn sách thực sự hay và một số cuốn sách xuất sắc, đó vẫn có thể là nguồn tư liệu chính mặc dù giáo viên có quyền tìm kiếm các nguồn tư liệu khác.

“Trường tôi đã không phát sách giáo khoa cho học sinh trong vài năm, trừ khi phụ huynh yêu cầu. Điều này là do 2 nguyên nhân: giáo viên hiếm khi giao bài tập về nhà yêu cầu kiến thức từ sách giáo khoa và nhà trường phải bỏ tiền mua lại sách nếu học sinh không đem trả”, Riggs cho biết. “Ngoài ra, hầu hết các sách giáo khoa đều có sẵn dưới dạng điện tử để học sinh có thể truy cập ở nhà. Giáo viên có thể truy cập sách giáo khoa trên mạng nếu muốn, còn với tôi thì không bởi tôi hiếm khi dùng tới sách giáo khoa”.

Một điều nữa khiến học sinh tại Mỹ không mua sách giáo khoa bởi giá thành rất đắt, còn nội dung thì thay đổi sau vài năm theo quy định của tiểu bang hoặc liên bang.

Sách giáo khoa ở cấp Trung học phổ thông có giá 70 USD mỗi cuốn, do đó nhiều học khu ngày càng chuyển sang cung cấp cho học sinh máy tính bảng – phương tiện linh hoạt hơn và có thể ít tốn kém hơn. Có những trường sẽ cung cấp một máy tính bảng cho mỗi học sinh kéo dài suốt 3-4 năm học.

Sách giáo khoa ở Mỹ phần lớn do giáo viên chọn ảnh 2

Ảnh minh họa

Tại mỗi bang sẽ có một tiêu chuẩn riêng cho chương trình học dựa vào sách giáo khoa để phù hợp với điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội của bang đó.

Có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến nội dung trong sách giáo khoa đó là Ủy ban Giáo dục Texas, cơ quan đặt ra các tiêu chuẩn và chương trình giảng dạy cho bang đông dân thứ hai nước Mỹ.

Ủy ban này sẽ chọn ra 5 sách giáo khoa cho mỗi môn học mà các trường có thể lựa chọn. Sau khi các tiêu chuẩn này được thông qua, các công ty sách giáo khoa sẽ điều chỉnh các ấn bản mới của họ dựa trên các tiêu chuẩn của bang Texas. Cũng bởi Texas là một thị trường sách giáo khoa rất lớn (hơn 37 triệu dân), những lựa chọn của bang này có ảnh hưởng đến tất cả các sách giáo khoa còn lại được bán trong nước.

Chính điều này đã làm nảy sinh một vấn đề của hệ thống sách giáo khoa Mỹ đó là dù có cùng chung một cuốn sách, cùng chung một nhà xuất bản, nhưng nội dung có thể khác nhau tùy theo từng bang.

Tờ The New York Times từng phân tích 8 cuốn sách giáo khoa Lịch sử thường được sử dụng tại hai thị trường lớn nhất nước Mỹ là bang California và bang Texas để chỉ ra sự khác biệt trong nội dung.

Ví dụ về Tuyên ngôn Nhân quyền nổi tiếng của Mỹ, một sách giáo khoa tại  California giải thích rằng các phán quyết trong Tu chính án thứ hai đã cho phép một số quy định về súng. Thế nhưng ấn bản Texas của cuốn sách giáo khoa này lại bỏ trống phần đó.

Thanh thiếu niên ở cả hai bang sẽ tìm hiểu về thời kỳ Phục hưng Harlem và tranh luận về tác động của phong trào đối với cuộc sống của người Mỹ gốc Phi. Nhưng học sinh Texas sẽ đọc rằng một số nhà phê bình “bác bỏ chất lượng của tác phẩm văn học được tạo ra trong thời kỳ này”.

Ở một quốc gia vốn không thể đi đến thống nhất về các câu hỏi cơ bản - chủ nghĩa tư bản nên bị hạn chế như thế nào, liệu người nhập cư là gánh nặng hay lợi ích, di sản của chế độ nô lệ tiếp tục định hình cuộc sống của người Mỹ ở mức độ nào - các nhà xuất bản sách giáo khoa đang bị mắc kẹt ở giữa. Điều này cho thấy sách giáo khoa không chỉ là tài liệu học thuật mà còn là công cụ chính trị giúp hình thành một thế hệ cử tri tương lai.

Do tình trạng “cát cứ” kiến thức này, chính phủ liên bang vào năm 2010 đã ban hành Sáng kiến Tiêu chuẩn cốt lõi. Sáng kiến này trình bày chi tiết những gì học sinh trên khắp nước Mỹ nên biết về môn Anh văn và Toán học vào cuối mỗi cấp học.

Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ đã tạo ra các tiêu chuẩn giáo dục nhất quán, nghiêm ngặt để không còn những học sinh bị tụt hậu trong quá trình học tập.

Tuy nhiên sau một thập kỷ triển khai, thành tích của học sinh Mỹ vẫn trì trệ trong các kỳ thi quốc gia và toàn cầu.

Trong Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA), một bài kiểm tra được đưa ra 3 năm một lần, xếp hạng về kỹ năng toán và đọc của nước Mỹ so với các quốc gia khác đã được cải thiện, nhưng chỉ do những thay đổi trong thành tích của các quốc gia khác chứ không phải vì sự tăng trưởng trong khả năng của học sinh Mỹ.

Điều này càng khiến ít nhất 20 bang trên toàn nước Mỹ quyết định bãi bỏ, sửa đổi hoặc rút khỏi sáng kiến này, đẩy tình trạng xuất bản sách giáo khoa quay trở lại thời kỳ “tự phát” như ban đầu.

TIN LIÊN QUAN
Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hồ An Phong.
Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg: Bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Ngày 21 và 22/11/2024, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Hội nghị được kỳ vọng trở thành bước đột phá, đặt nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành công nghiệp văn hóa. Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cũng cử đại diện tham dự hội nghị nhằm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn để thúc đẩy công nghiệp văn hóa gắn liền với hợp tác toàn cầu.
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
Bước tiến đột phá trong dự án xây dựng Bản đồ Tế bào con người
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học quốc tế ngày 20/11 đã công bố bản thiết kế đầu tiên về sự phát triển của hệ xương người, đánh dấu bước tiến quan trọng trong dự án Bản đồ Tế bào con người (Human Cell Atlas), một nỗ lực lớn nhằm tạo ra bản đồ sinh học chi tiết của mọi loại tế bào trong cơ thể người.
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
Gia Lai : Ngôi cổ tự duy nhất được phong sắc tứ
(Ngày Nay) - Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(Ngày Nay) - Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
Đặc sắc chương trình giao lưu "Sắc màu di sản"
(Ngày Nay) - Tối 21/11, tại hồ Nguyên Phi Ỷ Lan (thành phố Bắc Ninh), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh tổ chức Chương trình nghệ thuật dân ca trên thuyền và giao lưu các miền di sản chủ đề "Sắc màu di sản".
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
Phật dạy 5 điều thân kính với làng xóm
(Ngày Nay) - Mối quan hệ làng xóm cũng có những nhiêu khê và phức tạp, nếu không khéo thì từ thâm tình lại hóa ra giận ghét, thậm chí là oán thù. Cho nên Đức Phật rất tinh tế khi dạy phải thân kính với bà con.
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
Học cách trân quý từng phút giây còn sống
(Ngày Nay) - Khi tôi nghe thấy tin có người nào đó vừa mất đi, tin ấy với tôi như tiếng chuông thức tỉnh. Tiếng chuông đó là một lời nhắc nhở sâu sắc về sự mong manh của kiếp người.
Oai nghi của người tu hành
Oai nghi của người tu hành
(Ngày Nay) - Oai nghi cùng với chánh kiến và tịnh giới là ba yếu tố làm nên đạo hạnh - phẩm chất của tu sĩ Phật giáo, như cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, bậc am tường kinh luật luận đã từng nhấn mạnh.
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.