Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá: Phổ điểm kỳ thi đã đáp ứng được kỳ vọng của các nhà quản lý giáo dục, của thí sinh và phụ huynh.
Thông qua phổ điểm năm nay có thể nhận định, từ đề thi cho đến kết quả đã ổn định so với những năm gần đây, giữ ổn định về mặt tâm lý cho thí sinh, phụ huynh cũng như ổn định ở công tác xét tuyển của các trường đại học. Trên một mặt bằng chung kiến thức của toàn quốc, phổ điểm năm nay hoàn toàn có thể tin cậy để các trường đại học có mặt bằng chung xét tuyển vào đại học.
Theo Giáo sư – Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, ma trận đề thi cũng như độ khó dễ cơ bản đã giữ ở mức ổn định và tất cả các môn đều có chuyển biến rất tích cực. Điều này thể hiện ở việc điểm trung bình dưới 5 của tất cả các môn đều có sự cải thiện, kể cả các môn như Toán, Lịch sử, Vật lí là những môn thường có số điểm dưới trung bình tương đối lớn. Kết quả đó cũng thể hiện sự nỗ lực trong học tập, giảng dạy của học sinh và thầy cô giáo, kết quả tiến bộ rõ rệt hơn so với những năm trước. Đây là điểm đáng mừng về chất lượng giáo dục phổ thông của cả nước nói chung.
Tuy nhiên, qua đánh giá phổ điểm thi, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng, công tác định hướng thi, xét tuyển vào đại học ở tổ hợp các môn Khoa học Tự nhiên cần được chú trọng hơn nữa trong thời gian tới. Bởi những năm gần đây và năm 2024, điểm khối Khoa học Xã hội, ví dụ môn Ngữ văn, Địa lí tỷ lệ điểm giỏi cao, điểm dưới trung bình thấp; trong khi đó môn Toán, Vật lí, tỷ lệ điểm giỏi mặc dù đã cải thiện nhưng tỷ lệ điểm dưới trung bình vẫn cao hơn so với môn khác.
Nhìn vào phổ điểm phân tích, Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên chia sẻ: Điều đáng mừng là đã thấy được độ tập trung, phản ánh học vấn cấp phổ thông đã được coi trọng và không có độ lệch lớn. Trong quá trình tổ chức dạy học ở các địa phương, các thầy cô giáo đã quan tâm đến nền tảng căn cốt của học vấn phổ thông, tạo nền cho học sinh bước vào đời một cách chắc chắn và tạo cơ hội để các em tiếp tục tham gia giáo dục sau phổ thông. Đây là những hình ảnh biết nói và cách phân tích dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo ra một kết quả khoa học và tin cậy.
Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Hồng Quang cũng nhấn mạnh: Từ vùng sâu, vùng xa cho đến vùng phát triển, độ chụm của học vấn phổ thông thể hiện ở điểm số tất cả các môn, độ chênh lệch nhau không nhiều và không đáng kể. Với một đồ thị phân bổ như vậy chứng tỏ rằng, quá trình tổ chức giảng dạy, quá trình ra đề, phân tích dữ liệu đã đạt được yêu cầu.
Đối với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai và sang năm các em sẽ được đánh giá theo tiêu chí của Chương trình này, Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Hồng Quang cho rằng, trong quá trình tổ chức dạy học cần hết sức coi trọng học vấn nền tảng, cân bằng giữa các lĩnh vực và coi trọng tính chất tổ hợp, tính chất liên ngành, tính chất tích hợp. Như vậy, ở kỳ thi sang năm, việc ra đề cũng phải coi trọng nội dung này, đánh giá năng lực học vấn tổng hợp của người học và khi đó giúp ích cho các em có được tư duy, phương pháp để sau này vào đời giải quyết được những vấn đề của thực tiễn một cách chắc chắn. Điều đó sẽ khích lệ, tác động trở lại quá trình dạy học của các thầy cô giáo; giáo viên sẽ coi trọng tổng hợp, coi trọng giảng dạy tích hợp, không những trong nhà trường mà ngoài phạm vi nhà trường.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng nhận định, về cơ bản phổ điểm năm nay khá tốt. Kết quả của kỳ thi khá ổn định so với những kỳ thi trước, phản ánh được chất lượng dạy học ở giáo dục phổ thông. Cụ thể, phổ điểm một số môn thi có sự phân bố rất tốt như môn Lịch sử; môn tiếng Anh cũng bắt đầu có chuyển biến tích cực hơn so với phổ điểm của các năm trước đây.
Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu đặt ra với kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông là phải có sự phân hóa nhất định để các trường đại học có thể căn cứ vào kết quả đó tuyển sinh. Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, mục tiêu này bước đầu đã đạt được. Với nhiều khoảng điểm và sự phân hóa về kết quả giữa các môn học thì hoàn toàn đủ điều kiện cho các trường đại học căn cứ vào đó xét tuyển theo các tổ hợp tuyển sinh.
Công tác ra đề thi năm nay đã làm tương đối đều tay và dần dần có thể tiếp cận được những công nghệ ra đề mới. Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hy vọng, đề thi ở các kỳ thi sau sẽ có mức độ đồng đều hơn, không có độ vênh nhiều giữa điểm thi của các môn. Như vậy, sẽ tạo ra được mặt bằng chung để dễ đánh giá chất lượng dạy và học./.