Sáng 28/5, Đại diện Đoàn giám sát trình bày trước Quốc hội kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.
Báo cáo chỉ ra nhiều mặt tích cực nhưng cũng có các hạn chế, bất cập trong việc thực hiện quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp giai đoạn 2011-2016.
Đầu tư ra nước ngoài trên 12 tỷ USD
Theo báo cáo, tính đến 31/12/2016, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm 7 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty Nhà nước, 17 công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, 492 doanh nghiệp độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương.
Theo đánh giá, DNNN cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
|
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2011-2016 nộp NSNN 147.941 tỷ đồng. Ảnh: Anh Tuấn. |
Về việc bảo toàn và tăng trưởng vốn đạt kết quả đáng khích lệ, hệ số bảo toàn vốn giai đoạn 2011-2016 của các doanh nghiệp trên 1 lần. Hầu hết doanh nghiệp đều có lãi và số lãi tăng. Tổng doanh thu năm 2016 đạt 1.515.821 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 139.658 tỷ đồng, nộp ngân sách phát sinh là 251.845 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2011.
Có những doanh nghiệp có năm đạt tỷ suất lợi nhuận cao như Viettel, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Mía đường….
“Dù kinh tế thế giới không ổn định, hoạt động kinh doanh trong nước gặp khó khăn nhưng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2011-2016 vẫn nộp NSNN 147.941 tỷ đồng, Viettel nộp NSNN 131.400 tỷ đồng...”, báo cáo nêu.
Việc đầu tư ra nước ngoài được triển khai khá tích cực. Đến 31/12/2016 có 18 tập đoàn, tổng công ty có 100% vốn Nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,608 tỷ USD, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực viễn thông, thăm dò và khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản…
Đối với doanh nghiệp Nhà nước có một phần vốn góp, trong giai đoạn 2011-2015, đã thoái vốn 26.222 tỷ đồng, thu về 36.537 tỷ đồng, bằng 1,4 lần so với giá trị sổ sách.
Qua 11 năm triển khai bán vốn Nhà nước, đến 30/9/2017, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã bán vốn tại 975 doanh nghiệp với giá vốn 7.981 tỷ đồng và thu về 27.473 tỷ đồng gấp 3,4 lần giá vốn.
Nợ phải trả của doanh nghiệp Nhà nước lên đến 1,6 triệu tỷ đồng
Báo cáo của Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và một số vi phạm.
Hiệu quả hoạt động của DNNN giai đoạn 2011-2016 chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp NSNN có tốc độ tăng chậm (bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
Đáng nói là tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011, từ mức 1,2 triệu tỷ đồng lên trên 1,6 triệu tỷ đồng (gần 73 tỷ USD).
Hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%); hiệu quả đầu tư của khối DNNN cũng đạt thấp so với doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Tỷ suất lợi nhuận của toàn khối DNNN (100% vốn Nhà nước) giảm trong giai đoạn 2011-2016 (tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) giảm 39%, tỷ suất lợi nhuận/tài sản (ROA) giảm 30%).
Một số DNNN hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao. Tại một số DNNN còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước.
Như tại PVN, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV)...
1/4 dự án đầu tư ra nước ngoài báo lỗ
Hoạt động đầu tư ra ngoài doanh nghiệp còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, lũy kế tính đến 31/12/2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế.
Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD, tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện. Hiệu quả đầu tư vào công ty con, công ty liên kết còn hạn chế, ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp.
Nhiều dự án yếu kém của ngành công thương kiến số nợ phát sinh nhiều. Ảnh: Hiếu Công. |
Tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai, tài sản... diễn ra phức tạp; tình trạng đấu thầu hình thức chưa được ngăn chặn hiệu quả; công tác quản lý tài sản công thiếu chặt chẽ.
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ, triệt để nhằm phát hiện và xử lý kịp thời. Trong quản lý, sử dụng đất của các DNNN, còn trường hợp chưa kê khai đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích, để đất bị lấn, chiếm.
Việc cơ cấu lại một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thu hồi vốn của Nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả còn chậm, hậu quả nghiêm trọng.
Điển hình là 12 dự án thua lỗ của ngành công thương vẫn chưa được xử lý trong khi nhiều tài sản không sử dụng, hao mòn theo thời gian, chi phí như lãi vay, tiền bảo dưỡng duy trì tài sản… vẫn phát sinh.