Động lực phát triển kinh tế gia đình
Đều đặn mỗi buổi sáng, bà Giàng Thị D. (thôn Sân Bay, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà) lại cùng chồng tất bật, mỗi người mỗi chân mỗi tay để chăm lo cho đàn vật nuôi trong gia đình. Bà D. thì cho cho ngan, cho gà ăn, còn chồng bà thì rửa chuồng, múc cám cho lợn. “Nhờ nguồn vốn vay không lãi suất tôi mới mua được đàn ngan này,” bà D. chia sẻ.
Hơn một năm trước, kinh tế gia đình nhà bà D. còn nhiều khó khăn. Thu nhập chính đến từ việc làm nương rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ. Bà cũng mở thêm một tiệm tạp hóa nhỏ để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Tổng thu nhập của hai vợ chồng cả tháng chưa đến 5 triệu đồng.
Khi có thông tin về việc vay vốn không lãi suất từ dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thải Giàng Phố và huyện Bắc Hà triển khai tại địa phương, bà D. đã bàn bạc cùng với chồng để đăng ký nhận vốn vay.
“Với 10 triệu đồng vay từ chương trình, tôi đã mua được 3 con lợn và sửa sang chuồng trại để nuôi. Dịp Tết vừa qua, gia đình bán được 2 con, thu về số tiền 12 triệu đồng. Sau khi trả phần vốn gốc, gia đình dùng số tiền lãi 2 triệu đồng mua đàn ngan để nuôi. Dự kiến sau khi xuất chuồng sẽ mang đến thu nhập gần 10 triệu đồng”, bà D. phấn khởi cho biết.
Còn với chị Hầu Thị M. (thôn Sân Bay, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà), số tiền vốn vay như “cứu cánh” cho gia đình chị. Hai vợ chồng quanh năm chỉ trông vào mấy sào ngô trên nương. Vất vả quanh năm cũng chẳng đủ ăn. Nhờ số vốn vay, chị M. đã có tiền xây dựng chuồng và mua con lợn giống để chăn nuôi. Sau một năm, đàn lợn của chị đã được xuất chuồng với trọng lượng tốt, chị không những thu lại được số vốn vay, dư tiền lo sinh hoạt cho gia đình mà còn tiếp tục mua thêm được 2 con lợn giống nữa.
Trau dồi kiến thức, phát triển kỹ năng
Đàn lợn góp phần cải thiện sinh kế cho gia đình chị Hầu Thị M. |
Xã Thải Giàng Phố là một xã khó khăn của huyện Bắc Hà với 356 hộ nghèo chiếm 50,06%. Kiến thức và kĩ năng của người dân trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Người dân trên địa bàn đa phần chăn nuôi theo kinh nghiệm, có gì cho ăn nấy. Vì vậy, đàn vật nuôi phát triển chậm, còi cọc và hay bị bệnh.
Chính vì vậy, Dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” đã tổ chức các khóa tập huấn cho phụ nữ dân tộc thiểu số về chủ đề mô hình cải thiện sinh kế hộ gia đình. Tại lớp tập huấn, bà D., chị M. và các chị em đã được học tập và thực hành kỹ thuật chăm sóc cho đàn vật nuôi mau lớn, khỏe mạnh.
“Gia đình tôi chăn nuôi hiệu quả hơn cũng là nhờ những lớp tập huấn này. Chúng tôi học được những kiến thức và kĩ năng để chăm sóc vật nuôi tốt hơn, từ khâu chọn con giống, vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh cho vật nuôi. Tôi cũng biết thuốc nào để mua khi vật nuôi bị bệnh. Nhờ đó mà hiệu quả chăn nuôi cũng cao hơn, bán được giá hơn.”, chị Hầu Thị M. phấn khởi chia sẻ.
Với những kiến thức và kỹ năng học được từ lớp tập huấn, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số tại xã Thải Giàng Phố đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng chuồng trại và tăng số lượng đàn vật nuôi của mình.
Ươm mầm những “hạt giống” bình đẳng
Ngoài nguồn vốn và những hỗ trợ kỹ thuật cho chị em dân tộc thiểu số tại xã Thải Giàng Phố, dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” còn tổ chức các lớp tập huấn về bình đẳng giới và quyền trẻ em trong mối liên hệ với phát triển kinh tế gia đình. Tại đây, các chị em đã hiểu được rằng trong gia đình không có sự phân chia việc lớn việc nhỏ, việc của chồng, việc của vợ; mà cả vợ và chồng phải cùng nhau san sẻ các công việc trong gia đình. Các quyết định trong gia đình cũng cần phải có sự bàn bạc và tham gia của cả hai. Có như vậy mới “thuận vợ thuận chồng”, làm việc gì cũng thành công.
Sau khi tham gia các lớp tập huấn, bà Giàng Thị D. đã về giải thích lại với chồng mình, ông Hoàng Đình L. Từ đó, hai vợ chồng ông bà đã bàn bạc để bố trí lại công việc trong gia đình. Lúc trước, trong gia đình, bà D. thường là người làm các công việc nhà, còn chồng bà làm các công việc nặng, hay đi làm nương, làm rẫy. “Bây giờ, vợ chồng tôi cùng nhau phân chia công việc trong nhà. Lúc tôi đi làm nương rẫy thì bà ở nhà nấu cơm, lo việc nhà. Tôi ở nhà có thời gian rỗi thì cũng nấu cơm, giặt quần áo. Mỗi người mỗi chân mỗi tay, ai cũng đỡ mệt hơn”, ông L. chia sẻ.
Ông L. cho biết thêm, các công việc trong gia đình bây giờ đều có sự tham gia của hai vợ chồng. Vì thế mà gánh nặng phải làm “trụ cột” trong gia đình của ông cũng vơi đi phần nào. Gia đình ngày càng hạnh phúc hơn.
Thông qua các hoạt động tập huấn việc triển khai nguồn vốn không lãi suất hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, các chị em đã có kiến thức và kỹ năng về chăm sóc vật nuôi để tăng cao hiệu quả chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy vai trò, vị thế và tiếng nói của chị em trong gia đình cũng được cải thiện so với trước khi tham gia dự án.
Chung sức giúp phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế
Phụ nữ đã và đang có những đóng góp rất lớn trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp và tạo ra các giá trị kinh tế. Phụ nữ cũng là những người gặp phải nhiều rào cản khi tham gia vào các hoạt động kinh tế, trong đó phải kể đến gánh nặng các công việc nội trợ, chăm sóc trong gia đình và hạn chế tham gia vào các quyết định trong kinh tế hộ gia đình cũng như của cộng đồng.
Với mong muốn thúc đẩy bình đẳng giới và sự tham gia của chị em phụ nữ vào các hoạt động kinh tế, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt và Tập đoàn TH phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ và chính quyền địa phương triển khai quỹ hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho phụ nữ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại xã Thải Giàng Phố. Tổng trị giá của các gói vốn vay là 150 triệu đồng.
Quỹ hỗ trợ vốn vay xuất phát từ chiến dịch "Tô cam cùng TH - Hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em" năm 2022. Đây là hoạt động hưởng ứng Chiến dịch UNiTE của Liên Hợp Quốc năm 2022 do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) và Tập đoàn TH phối hợp với UN Women thực hiện. 238.000 sản phẩm màu cam của TH được bán ra, tương ứng với số tiền gây quỹ là 149.940.000 ĐỒNG (với mỗi sản phẩm bán ra, VSF đóng góp 630 đồng để xây dựng quỹ hỗ trợ vốn vay cho nạn nhân của bạo lực).
Quỹ Vì Tầm Vóc Việt triển khai các chương trình vì hạnh phúc của phụ nữ và trẻ em. |
Đến thời điểm hiện tại, sau 1 năm được hỗ trợ vốn vay, đàn vật nuôi được mua từ nguồn vốn hỗ trợ đã phát triển và sinh sản. Một số hộ đã thu từ 12 đến 16 triệu đồng từ tiền bán một phần đàn vật nuôi, đủ để hoàn trả tiền gốc và sinh lãi từ 2-6 triệu đồng. Số tiền này sẽ được dùng để tái đầu tư và phát triển đàn vật nuôi trong thời gian tới. 12 chị em đã hoàn trả vốn vay và 3 người tiếp tục giữ vốn vay để phát triển kinh tế và sẽ hoàn trả trong 1 năm tới.
Bà Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai, cho biết: “Phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số tại Lào Cai, đặc biệt là ở huyện Bắc Hà, hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn về nhận thức và đời sống kinh tế. Số vốn vay không lãi suất có ý nghĩa rất tích cực, đã giúp các chị em cải thiện kinh tế, gia tăng thu nhập trong gia đình.”
Bà Trần Hồng Điệp, Giám đốc VSF chia sẻ: “Sau 10 năm hoạt động, với vai trò là một quỹ xã hội phi lợi nhuận, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt cam kết tiếp tục đẩy mạnh các chương trình trọng điểm như Sức khỏe Học đường, Ươm mầm Tài năng, Bảo vệ Trẻ em và Phát triển Phụ nữ. Mục tiêu của các chương trình này là tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững về nhận thức và thực hành ở cả bốn cấp độ: cá nhân, gia đình, cộng đồng, và chính sách/pháp luật, nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em nói riêng, cũng như của toàn xã hội. Chúng tôi tin rằng với sự chung tay và hỗ trợ từ tất cả các nguồn lực trong cộng đồng, những mục tiêu này sẽ sớm trở thành hiện thực.”
Năm 2023, VSF tiếp tục triển khai chiến dịch “Tô Cam” với sự đồng hành của Tập đoàn TH và BAC A BANK. Chiến dịch đã diễn ra thành công với số tiền gây quỹ hỗ trợ vốn vay lên đến hơn 600 triệu đồng. Số tiền này đang được giải ngân hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị bạo lực và có hoàn cảnh khó khăn tại Điện Biên và Sơn La.