Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt Dự án Giao thông đường thuỷ xuyên Á và thuỷ điện trên sông Hồng. Dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn ThaiGroup (trước là Tập đoàn Xuân Thành, do ông Nguyễn Đức Thụy làm Chủ tịch HĐQT), đề xuất việc tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện. Trước đó, tập đoàn của Bầu Thụy từng được dư luận chú ý với thương vụ thâu tóm Khách sạn Kim Liên (Hà Nội).
Dự án giao thông thủy và thủy điện trị giá 24.500 tỷ đồng trên sông Hồng nhận được nhiều chú ý từ dư luận.
Dự án được đề xuất thực hiện theo dạng hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh). Tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới trên 1,1 tỷ USD (khoảng 24.500 tỷ đồng). Trong đó, chi phí xây dựng là 8.207 tỷ đồng, chi phí thiết bị 4.558 tỷ đồng, chi phí bồi thường tái định cư 1.230 tỷ và dự phòng khoảng 6.549 tỷ đồng… Cơ cấu vốn gồm 30% tự có của doanh nghiệp, còn lại 70% là vay thương mại có lãi suất 4-9%.
Dự án giao thông đường thuỷ xuyên Á nêu trên dự tính kết nối, nâng cấp hai tuyến vận tải thủy từ Hải Phòng - Việt Trì (Phú Thọ) với Hà Nội - Lạch Giang (Nam Định). Để đảm bảo mục tiêu giao thông quy mô lớn, chủ đầu tư đề xuất sẽ xây dựng 6 đập thuỷ điện và âu tàu để nâng mực nước cho tàu trọng tải lớn qua lại. Đây là các công trình thuỷ điện cấp II kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp. Tổng công suất thiết kế khoảng 228 MW, cung cấp 912 triệu kWh một năm.
Đồng thời, Xuân Thiện sẽ xây dựng 7 cảng dọc tuyến: cảng Phố Mới, Apatit, Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội). Địa điểm xây dựng thuộc các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và Hà Nội.
Xuân Thiện cho rằng siêu dự án có sẽ mở ra một tuyến vận tải thuỷ thông suốt giữa miền núi và đồng bằng, góp phần tăng cường giao lưu phát triển kinh tế miền núi., giảm bớt quá tải cho hệ thống giao thông. Đồng thời, thúc đẩy phát triển các ngành liên quan đến vận tải thuỷ như phát triển các cảng, bến thuỷ, các xưởng sửa chữa, đóng mới phương tiện thuỷ. Dự án sẽ tạo việc làm, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên các đơn vị liên quan, đóng góp vào Ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, chủ đầu tư còn nhấn mạnh dự án này sẽ giúp tăng cường giao lưu thương mại, vận tải xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Vân Nam (Trung Quốc). "Dự án không gây ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, đảm bảo yêu cầu về quan hệ quốc tế, biên giới, an ninh với Trung Quốc", văn bản nêu rõ.
Theo số liệu được dẫn chứng, năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu từ Việt Nam - Trung Quốc đạt trên 45 tỷ USD, cho thấy nhu cầu vận tải thuỷ hàng hoá của tuyến giao thông huyết mạch này là rất lớn.
Nếu được Thủ tướng phê duyệt, dự án sẽ được xây dựng trong 6 năm, từ 2016-2021. Hình thức thu hồi vốn là xây dựng các trạm thu phí, thu từ bán điện, thu từ khai thác cảng. Mức thu phí dự kiến đoạn Việt Trì - Yên Bái vào khoảng 10.000-15.000 đồng một tấn. Mức thu phí đoạn Yên Bái - Lào Cai 40.000-45.000 đồng. Hàng quốc tế có mức thu gấp đôi hàng nội địa.
Giá bán điện của dự án dự kiến là 1.900 đồng/kWh, lộ trình tăng giá theo thời gian. Dự án dự kiến đi vào hoạt động sẽ đạt lợi nhuận thuần 1.296 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn là 25 năm.
Vì dự án có quy mô lớn nên Xuân Thiện đề xuất được hưởng một loạt các ưu đãi như được Nhà nước hỗ trợ giá bán điện để bù giá thu phí vận tải và chi phí quản lý thu phí, duy tu bảo dưỡng công trình (5 năm đầu là 1.900 đồng/KWh, 5 năm tiếp theo là 2.380 đồng, các năm tiếp theo tối thiểu là 2.970-3.560 đồng/KWh). Doanh nghiệp cũng mong muốn được miễn tiền thuế sử dụng đất, miễn thuế tài nguyên nước và thuế dịch vụ môi trường rừng, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm hoàn vốn...
Mức thu phí luồng tuyến và phía qua âu tàu được điều chỉnh theo thời gian. Dự án miễn thu phí cho mọi phương tiện trong 3 năm đầu vận hành, không thu phí vĩnh viễn với các phương tiện có trọng tải dưới 50 tấn để kích hích nhu cầu vận tải thuỷ vừa đảm bảo bảo hài hoà lợi ích của các đơn vị, doanh nghiệp.
Một trong những nội dung đáng chú ý của dự án là xây dựng các nhà máy thủy điện. Đề xuất được đưa ra trong bối cảnh nhiều nhà máy từng được xây dựng với vốn đầu tư cả ngàn tỷ đồng trên cả nước phải dừng hoạt động. Báo cáo mới đây của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cũng cho hay, đến giữa tháng 3, có đến 15 trong số 51 nhà máy điện phải dừng hoạt động do hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên khiến các hồ thủy điện phải ưu tiên nước cho sinh hoạt, thủy lợi ở vùng hạ du.
Hàng chục thủy điện ở miền Trung, Tây Nguyên, trong đó có những nhà máy với công suất khá lớn như Hàm Thuận, Buôn Tua Srah... đã phải hoạt động cầm chừng hoặc ngưng phát điện. Hơn nữa, theo xu hướng sử dụng năng lượng trên thế giới, thuỷ điện đã lỗi thời vì phụ thuộc lớn vào thời tiết.
Về lý thuyết, việc xây dựng các thủy điện, nạo vét lòng sông sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng chảy, lưu lượng nước. Từ đó ảnh hưởng đến vựa lúa, hoa màu của các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ. Nguy cơ nước biển xâm lấn vào mùa khô cũng sẽ hiện hữu khi lưu lượng nước thấp. Vào mùa mua, dòng chảy sông bị nạo vét sâu có thể làm dòng chảy xiết hơn, nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất.
Tuy nhiên, trong văn bản trình lên Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho hay "mực nước dâng tại các vị trí đập thiết kế đập thuỷ điện luôn thấp hơn so với mực nước lũ hằng năm, do đó ít gây ngập lụt, không ảnh hưởng và hầu như không làm thay đổi so với hiện trạng. Tác động đến môi trường không lớn và có thể giảm thiểu".
Về việc đầu tư vào vận tải thủy, một chuyên gia kinh tế nhận định đây là chủ trương hợp xu thế bởi trong tương lai vận tải thuỷ sẽ được chú trọng để giảm bớt các gánh nặng cho giao thông đường bộ.
Tham gia ý kiến về dự án này, Bộ Tài chính băn khoăn việc xây dựng thủy điện yêu cầu kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt, do đó việc kết hợp công trình này với các cảng giao thương cần đánh giá tác động qua lại, rủi ro, có phương án giải quyết khi xảy ra sự cố. Ngoài ra, cần đánh giá tác động của địa chấn đập đầu mối đến các cầu hiện có nhằm đảm bảo an toàn khi lưu thông trên các tuyến cầu. Về tổng mức đầu tư, hồ sơ dự án báo cáo tổng mức 24.510 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp là 30% tức khoảng 7.353 tỷ đồng mà Xuân Thiện chỉ có vốn điều lệ 1.200 tỷ. Vì vậy, nhà đầu tư cần chứng minh năng lực tài chính, phương án và khả năng huy động vốn chủ sở hữu để thực hiện. Đối với nguồn thu từ bán điện giai đoạn 2021-2026 là 1.900 đồng/KWh và tăng dần trong các năm tiếp theo. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, giai đoạn 2020-2030, cơ cấu nguồn điện theo hướng thủy điện giảm dần, nguồn nhiệt điện than và điện tái tạo sẽ tăng lên, đồng thời ưu tiên vận hành nhà máy nhiệt điện than khu vực miền Bắc. Điều này đồng nghĩa với giá bán điện nguồn thủy điện sẽ cạnh tranh gay gắt hơn. Nhà đầu tư có thể đứng trước rủi ro không bán được điện do không cạnh tranh được về giá, không đảm bảo hiệu quả dự án. Về ưu đãi mà Xuân Thiện đề xuất, Bộ Tài chính cho rằng việc hỗ trợ cơ chế giá bán điện đặc thù cho dự án cần nghiên cứu thêm bởi theo chủ trương của Chính phủ, giá điện được thực hiện theo thị trường cạnh tranh, ưu tiên huy động nguồn điện giá rẻ, thu mua từ thấp đến cao. Về việc thu phí trên các luồng tuyến, nếu dự án được phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ thẩm định và ban hành thông tư về mức thu, đối tượng không thu… Dù được đầu tư hơn 1 tỷ USD, song Bộ Tài chính lại nhận định dự án không đảm bảo khả năng tự hoàn vốn. Dự án được xây dựng sẽ góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng núi phía Bắc vì vậy nếu được chấp thuận Bộ Tài Chính đề nghị các bộ ngành xây dựng cơ chế đặc thù cho dự án để đảm bảo tính khả thi. |
Theo Vnexpress