Tuy nhiên, dưới lòng sông vẫn là một thế giới ngầm của cát tặc,“xã hội đen” lộng hành.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng đương đầu với nạn “cát tặc” là một thách thức rất lớn khiến chủ tịch tỉnh cũng phải làm đơn cầu cứu.
Lợi nhuận “khủng” từ khai thác cát
Năm 2014 - 2015, Tiền Phong có loạt bài về hoạt động của cát tặc. Sau đó, Bộ Công an đã vào cuộc, bắt giữ nhiều tàu thuyền cùng các đối tượng liên quan. Điển hình, ngày 8/11/2014, gần 200 cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ Công an đã bao vây, bắt giữ 20 tàu khai thác và 16 tàu chuyên chở cát trên sông Hồng, đoạn đi qua huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Công an thu giữ được nhiều sổ sách ghi chép chi tiết số lượng cát đã được khai thác cùng một số hung khí. Theo tính toán của lực lượng chức năng, một lượng cát trị giá khoảng 1 tỷ đồng, đã bị đánh cắp mỗi ngày tại đoạn sông này.
“Những năm gần đây đã xảy ra hàng loạt vụ đối tượng hút cát trái phép dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn, tranh giành địa bàn, khu vực khai thác. Nghiêm trọng hơn, đối tượng khai thác trái phép có hành vi chống người thi hành công vụ, gây thương tích, thậm chí gây tử vong cho người thi hành công vụ” - thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an, nhận định, trong một hội nghị năm 2015.
Điển hình, ngày 1/5/2009, tại địa bàn tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ cát tặc chống trả CSGT, khiến thượng sĩ Nguyễn Văn Hoan tử vong; đến ngày 7/8/2009 lại xảy ra một vụ tại Tiền Giang làm 1 người tử vong; ngày 18/5/2012 xảy ra vụ tại Quảng Bình làm 2 người tử vong…
Theo thống kê, từ năm 2009 tới nay lực lượng công an đã kiểm tra 88.412 trường hợp, phát hiện, lập biên bản xử lý 85.084 trường hợp vi phạm, thu gần 122 tỷ đồng. Năm 2015, Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố vụ án, bắt giữ đối tượng liên quan đến vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi.
Còn theo báo cáo của Công an Hà Nội, từ tháng 3/2015 đến 3/2016, có 202 đối tượng khai thác cát trái phép bị xử lý; 185 tàu thuyền các loại cùng nhiều máy móc bị tạm giữ, tịch thu; số tiền xử phạt hành chính lên đến hơn 2,6 tỷ đồng. Mặc dù các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực song việc xử lý “cát tặc” còn gặp nhiều khó khăn, chưa đạt kết quả mong muốn.
“Xã hội đen” và thế lực nào “chống lưng” cát tặc?
Trên các tuyến sông Hồng, sông Đuống, sông Kinh Thầy, sông Luộc, sông Đồng Nai, sông Đà, sông Cầu… thời gian qua đều diễn ra tình trạng khai thác cát trái phép với hàng trăm phương tiện bơm hút hoạt động ngày đêm. Các phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm, hoạt động vào ban đêm, thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động để trốn tránh lực lượng chức năng.
Trên cả nước hiện có khoảng 400/900 cơ sở khai thác cát sỏi trên sông và cửa biển giấy phép còn hiệu lực và 500 bến bãi trung chuyển được cấp phép. Tại nhiều dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa, các đơn vị được cấp phép nạo vét có dấu hiệu lợi dụng giấy phép để khai thác cát ngoài khu vực; nạo vét luồng hàng hải nhưng lấn sâu vào các tuyến đường thủy, cảng nội địa…
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội cho biết địa bàn huyện Phúc Thọ là điểm nóng hoạt động của cát tặc, chính vì thế ông Hiểu rất thấu hiểu và chia sẻ với Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh. Ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng đương đầu với nạn “cát tặc” là một thách thức rất lớn khiến chủ tịch tỉnh cũng phải làm đơn cầu cứu.
“Vào năm 2014 - 2015 chúng tôi đã “làm rắn” với cát tặc, một số cán bộ huyện Phúc Thọ cũng lo cho tôi khi tham gia giao thông. Bản thân cũng phải cẩn trọng, quan sát mỗi khi ra đường vì các đối tượng khai thác cát tặc rất manh động, vì dưới lòng sông là cả một thế giới ngầm được xã hội đen bảo kê. Và đằng sau những ông trùm cát tặc là những người chống lưng” - ông Hiểu nói.
Theo ông Hiểu, để dẹp được cát tặc cần phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ việc tổ chức triển khai nạo vét luồng lạch, tránh lợi dụng chủ trương nạo vét đúng đắn để biến thành hoạt động khai thác bất hợp pháp vì việc phân biệt ranh giới ở dưới lòng sông không hề dễ dàng.