Ghi nhận thực tế chợ Đồng Xuân, các gian hàng chuyên bán vải, giày dép, vali, đồ điện tử… đều rơi vào tình trạng kinh doanh ế ẩm. Thậm chí, vài ki ốt chuyên bán quần áo người lớn đã tạm thời đóng cửa vì người mua ít hơn người bán.
Theo chị H (một chủ hàng tầng 2) thì ngành may mặc là mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất do dịch. “Từ thiếu hàng nhập khẩu, đến việc khách đến chợ rất ít khiến các gian hàng bán vải tầng 2 rơi vào cảnh ế ẩm. Nhiều người còn đóng ki ốt tạm thời vì không đủ chi phí chi trả hoạt động”, chị H nói.
Một tiểu thương tại chợ cho biết, “cực chẳng đã” họ mới phải gửi đơn, tụ tập yêu cầu xem xét giá thuê ki ốt bởi khu chợ đã quá khó khăn.Ông Hoàng Công Anh, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đồng Xuân cho biết, sau khi nhận được đơn thư của tiểu thương, Cty đã giải thích cho các hộ dân, đến nay đã có 1.399/1851 hộ kinh doanh nộp tiền. Hiện các hộ còn lại đang tiếp tục vận động.
Chợ Đồng Xuân những ngày này hết sức vắng vẻ |
Theo lãnh đạo Cty CP Đồng Xuân, chợ Đồng Xuân là chợ truyền thống lâu đời có lịch sử hơn 100 năm, đã là nét văn hóa, điểm du lịch trọng tâm của khu phố cổ với du khách trong và ngoài nước. UBND Thành phố đặt trọng tâm hàng đầu là bảo đảm ổn định tình hình an sinh xã hội. Do đó, các kỳ điều chỉnh (5 năm), giá cho thuê địa điểm kinh doanh tại chợ luôn duy trì từ 15 – 19%.
Năm 2019, Cục thuế Hà Nội có thông báo tăng đột biến thuế đất do hạn hợp đồng thuê đất tại chợ Đồng Xuân giai đoạn 2015 – 2019 đã kết thúc. Hiện nay tiền thuê đất mỗi năm của chợ là 6,53 tỷ đồng/năm nếu theo thông báo về giá thuê đất mới sẽ tăng lên là 28,67 tỷ đồng/năm, tăng 451% so với tiền thuê đất kỳ trước, sẽ dẫn đến nguồn thu không bù đắp nổi chi phí. Kèm theo đó là phát sinh bất ổn với cả nghìn hộ đang kinh doanh ổn định tại chợ Đồng Xuân.
Chợ Đồng Xuân lâu nay được coi là khu chợ nổi tiếng nhất Hà Nội, nguồn hàng tại đây cũng rất phong phú, có giá rẻ, không ít mặt hàng được đánh từ bên kia biên giới Trung Quốc về. Tuy nhiên, từ khi đại dịch do virus Corona gây ra, những hàng hóa từ Trung Quốc về rất khó khăn và ít hẳn. |
Trước đó cuối tháng 2, hàng ngàn hộ kinh doanh tại chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) đã ký đơn xin giảm thuế vì doanh thu sụt giảm trầm trọng do dịch COVID-19. Đơn xin giảm thuế được gửi đi nhiều nơi như UBND Q.5, Chi cục Thuế Q.5, Công an Q.5, Ban quản lý chợ An Đông...
Theo các tiểu thương kinh doanh tại chợ An Đông, từ ngày mở chợ bán lại sau Tết Nguyên đán, đa số các quầy không bán được hàng hóa, mãi lực tại chợ gần như bằng 0.
Do đó, tiểu thương thỉnh cầu các cấp lãnh đạo Q.5 xem xét giảm 50% thuế hằng tháng trong thời gian 3 - 6 tháng (bắt đầu tính từ tháng 2-2020) cho toàn bộ tiểu thương đang kinh doanh tại chợ.
Lý giải nguyên nhân, các hộ kinh doanh tại đây cho biết do dịch COVID-19, người dân không dám tập trung vào những nơi đông người, không đến chợ mua hàng. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch, sản xuất kinh doanh của nhiều ngành cũng ngưng trệ. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động mua bán tại chợ.
Rất nhiều sạp mở bán nhưng 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày, thậm chí từ ngày khai trương đến nay không bán được mặt hàng nào.
Trong bối cảnh này, các tiểu thương cho biết tuy nhận thức rất rõ tình hình thiên tai, dịch bệnh là điều hoàn toàn ngoài mong muốn, dù không có người mua hàng nhưng các tiểu thương không thể đóng cửa, bỏ sạp mà hằng ngày vẫn phải đến chợ, mở quầy.
Nhiều ki ốt ở chợ An Đông cả ngày không có khách |
Các tiểu thương người ngủ say, kẻ thức nói chuyện, chơi game, xem phim trên điện thoại.
Anh T. - bán phụ liệu may mặc tại chợ - cho biết dịch bệnh khiến anh "trầy trật, không có ai mua, sợ không trụ nổi".
Hằng tháng kiôt của anh bán phải nộp khoảng 4 triệu tiền mặt bằng, vệ sinh, điện, máy lạnh, bảo vệ. Bản thân anh còn trụ vì không phải thuê người. Trường hợp các kiôt lớn hơn chi phí cả chục triệu đồng, chưa kể tiền thuê nhân viên.
Ngồi trên ghế nhựa, tay dựa vào kệ dép, chị Nguyễn Thị Hương buồn rầu cho biết bản thân đã bán tại chợ An Đông hơn 13 năm, từ khi có dịch COVID-19, buôn bán càng thê thảm.
Ngoài phần khách ở gần ngại tới chợ, nhiều khách là mối sỉ ở miền Bắc, miền Trung không liên hệ mua giày dép vì ở tỉnh bán cũng không có người mua.
Trước kia, một khách sỉ lấy ít nhất cũng 100 đôi dép/lần, nhưng bây giờ chỉ mua chừng 10-15 đôi.
"Nếu lúc trước bán được 10 thì mùa dịch chỉ bán được 1. Có khi ở chợ nguyên ngày, chiều đóng cửa về mà không bán được đôi dép nào" - chị Hương buồn nói.
Nguồn nguyên liệu làm dép như da, khóa, đinh, đế... được nhập từ Trung Quốc nay cũng không có, không thể gia công số lượng lớn nên khách mua sỉ cũng khó đặt hàng.
Chủ sạp quần áo Long Phụng nở nụ cười gượng gạo vì khách lẻ không tới, khách sỉ ngoài không mua còn lấy nguyên nhân dịch bệnh COVID-19 nên chưa trả tiền.
Không bán được hàng, nhu cầu nhập hàng cũng không có nên các tiểu thương chợ An Đông đều mong muốn được giảm thuế để có thể tiếp tục mở quầy.
Lãnh đạo Chi cục Thuế Q.5 cho biết đã nhận được đơn kiến nghị giảm thuế của các tiểu thương chợ An Đông và đang yêu cầu các bộ phận rà soát mức thuế của các tiểu thương, báo cáo Cục Thuế TP xin ý kiến.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra còn “nóng” hơn thế khi trong bão dịch, có khả năng mức thuê ki ốt sẽ lại điều chỉnh tăng lên rất cao so với hiện tại.