Chua xót gạo Việt bị hô biến thành gạo Trung Quốc
Hiệu hội Lương thực Việt Nam VFA cho biết, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua nhưng thương hiệu, tên tuổi gạo Việt tại các siêu thị Trung Quốc lại gần như “vắng bóng”. Theo thống kê, trung bình hàng năm, Trung Quốc nhập trên 3 triệu tấn gạo của Việt nam, chiếm khoảng 40% lượng gạo xuất khẩu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA cho hay, nhiều thương nhân Trung Quốc sau khi nhập gạo Việt Nam về thường trộn với gạo của họ, đóng bao thương hiệu của họ. Họa hoằn lắm mới có công ty TQ in chữ (rất nhỏ) gạo nhập từ VN. Việc làm này khá phổ biến nên người tiêu dùng Trung Quốc không hề biết đây là gạo nhập khẩu từ Việt Nam.
Gạo Việt Nam sau khi chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Ảnh: Tiền Phong
Tuy nhiên, nhiều DN xuất khẩu gạo cho hay không chỉ ở thị trường TQ mà ở một số thị trường khác gạo Việt cũng “chung số phận”. Lý do là các công ty xuất khẩu gạo VN thường chỉ đóng bao, in tên loại gạo, tên công ty và giao hàng đến cảng là xong. Sau đó họ không biết hạt gạo Việt bán ra nước ngoài được tiêu thụ ra sao và ai mua.
Trong nỗ lực đẩy mạnh thương hiệu gạo Việt, công ty tư nhân Công Bình ở Long An đang mở rộng vùng trồng lúa theo tiêu chuẩn Global GAP nhằm tạo ra thương hiệu gạo Việt riêng biệt. Đến nay, gạo Công Bình đã xuất đi trên 10 nước, từ châu Âu, Mỹ, Á… Giá gạo Công Bình tuy vẫn thấp hơn gạo Thái Lan 100 USD/tấn nhưng đây cũng là dấu hiệu đáng mừng cho thương hiệu gạo Việt.
Từ trước tới nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu theo số lượng, cứ bán được nhiều là mừng, chưa quan tâm đến thương hiệu. Đến nay, Việt Nam là khu vực chậm nhất trong việc xây dựng thương hiệu gạo Việt.
Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp nhận định, DN xuất khẩu gạo nước ta vẫn thụ động, chờ người mua và chưa chủ động mang ra thị trường thế giới để bán, chưa biết cách tiếp thị ra bên ngoài. Gạo Việt đang bán qua trung gian là chính chứ chưa bán cho nhà phân phối trực tiếp và các hệ thống siêu thị ở các nước.
Tiềm ẩn rủi ro từ sự phụ thuộc
Mặc dù gạo Việt đang cố gắng tạo được chỗ đứng trên thị trường thế giới, nhưng Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), đơn vị chủ yếu xuất khẩu gạo chính ngạch cho Trung Quốc qua đường biển cho biết, nhu cầu gạo thơm của nước này đang tăng.
Ngoài ra, hợp đồng xuất khẩu gạo sang Philippines và Indonesia cũng vẫn còn tới tận giữa tháng 3 mới giao hết. Và có khả năng những thị trường này sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo để ổn định lương thực trong nước.
Tuy nhiên, việc chờ đợi vào việc nhập khẩu của các nước khiến các DN xuất khẩu gạo rơi vào tình trạng “sớm nắng chiều mưa”.
Một số tiểu thương cho hay, hiện tại xuất khẩu gạo qua đường chính ngạch đang bị “đóng băng” còn đường tiểu ngạch thì “bế tắc” do thời tiết, rủi ro rất cao, dễ bị ép giá.
Hơn nữa, GS Võ Tòng Xuân góp ý xây dựng thương hiệu gạo không phải là chỉ tập trung vào gạo cấp cao, bỏ gạo giá rẻ mà tập trung thế mạnh của nước mình và theo nhu cầu thị trường. Ngoài ra Campuchia, Lào làm thương hiệu được không chỉ nhờ làm vùng nguyên liệu, giống chất lượng mà họ biết cách bán hàng, tiếp thị.
A.M