Trong bài “5 tiếng vang của văn chương 2024”, chúng tôi nêu rõ: “Nhà thơ Trần Lê Khánh với tập thơ Đồng (tuyển tập Xứ 2) do NXB Văn học ấn hành vào quý 3/2024 đã tạo ra tiếng vang với những đồn đoán rằng sẽ nhận giải thưởng này giải thưởng kia. Những đồn đoán này chính là tiếng vang của tập thơ Đồng khi mà các giải thưởng (chưa công bố) không do tác giả quyết định”.
Và nay thì những đồn đoán đó đã được xác tín bằng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2024 trao cho tập thơ Đồng. Trước đó, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2022 cũng đã xướng tên Trần Lê Khánh với tập thơ Ngàn bài thơ khác. Không chỉ Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, thơ của Trần Lê Khánh còn nhận những giải thưởng khác trong và ngoài nước, như: Giải tác phẩm Xuất Sắc 2021 của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao cho tập thơ Xứ (Rung một ngọn cây); Giải văn học dịch Cliff Becker Prize, Mỹ năm 2021 và nhiều giải thưởng khác. Thơ của Trần Lê Khánh được dịch, ấn hành ở Mỹ và Hungary dưới hình thức thương mại dù sách thơ luôn có thị phần khá khiêm tốn so với những đầu sách thể loại khác.
Nhà thơ Trần Lê Khánh sinh năm 1971, ông là chuyên gia phân tích đầu tư cho các định chế tài chính trong nước và quốc tế. Thơ Trần Lê Khánh xuất hiện khoảng mười năm nay với tập thơ đầu tay được ấn hành thuần thể thơ lục bát. Thơ lục bát - một thể thơ quen thuộc với người Việt “dễ làm nhưng khó hay” và rất dễ nhàm chán với người đọc bởi vần điệu nhịp nhàng nếu tác giả không thổi vào đó những luồng sinh khí mới. Tập thơ Đồng (tuyển tập Xứ 2) của Trần Lê Khánh cũng tuyền một màu lục bát nhưng có gì khác hơn để Hội Nhà văn Việt Nam tiếp tục vinh danh bằng Giải thưởng?
Xin dẫn lại lời nhà thơ Thi Hoàng – bậc trưởng lão trong làng văn hiện nay về tập thơ này: “Tập thơ Đồng là tác phẩm khá nhất của Trần Lê Khánh từ trước đến nay, chọn một hình thức truyền thống để chuyển tải một nội dung hiện đại. Tác phẩm bộc lộ một địa chỉ tâm hồn, ở đó con người thời hội nhập không xa lạ bản sắc dân tộc. Qua tập thơ Đồng, Trần Lê Khánh thể hiện sự từng trải, không chỉ từng trải vốn sống mà còn từng trải văn hóa, để thi ca đi qua cái “nhìn thấy” mà đến cái “cảm thấy”, vì vậy hạn chế được nhược điểm của thể loại lục bát là thường ít thông điệp. Thể loại lục bát trong tập thơ Đồng quy nạp lại cho cả người đọc lẫn người viết một tâm trạng tích cực giữa xã hội bộn bề”.
Tập thơ Đồng (tuyển tập Xứ 2) của nhà thơ Trần Lê Khánh |
Còn nhà nghiên cứu phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn, thì nhận định: “Tôi vốn ít thiện cảm với thơ lục bát, vì ái ngại sự nhịp nhàng khuôn thước đặc trưng thể loại này. Thế nhưng, khi đọc tập thơ Đồng của Trần Lê Khánh, thì tôi thực sự bị chinh phục. Tập thơ gồm 100 bài, chia làm 10 chương, được đặt tên từ “Xứ 1” đến “Xứ 100”. Tác giả dụng công và nỗ lực làm mới lục bát, rất đáng trân trọng. Tập Đồng có giọng thơ tự nhiên và hơi thơ ung dung, tác giả tìm thấy chất thơ trong những sự vật gần gũi và những câu chuyện quen thuộc. Qua thơ lục bát Trần Lê Khánh, mỗi hình ảnh bỗng dưng sinh động hơn, mỗi cuộc đời bỗng dưng rộn ràng hơn. Tập thơ Đồng mở ra một không gian khác lạ và trẻ trung cho thể thơ truyền thống, góp phần làm phong phú thẩm mỹ sáng tạo thi ca Việt hôm nay. Tôi nhận ra ở Đồng là đồng điệu, đồng cảm, đồng tình, đồng tâm”.
Ngày Nay có cuộc gặp với nhà thơ Trần Lê Khánh để nghe ông chia sẻ về việc đã được giải như những đồn đoán.
Theo quy chế xét giải hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, thì tác phẩm phải qua vòng sơ khảo ở các hội đồng chuyên môn rồi mới vào chung khảo. Nhưng thơ của Trần Lê Khánh lại không qua vòng sơ khảo nhưng vẫn được giải, việc này là sao thưa ông?
Nhà thơ Trần Lê Khánh: Năm 2022, tập thơ Ngàn bài thơ khác của tôi đúng là không qua được hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam nhưng được hội đồng chung khảo xét giải. Tôi chỉ được biết sau này là như thế, còn xét giải thế nào, quy trình ra sao thì tôi không rành vì đó là việc của Hội Nhà văn Việt Nam.
Nhiều bạn bè văn nghệ nói với tôi rằng, năm 2021 vừa đoạt giải của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao cho tập thơ Xứ (Rung một ngọn cây) thì tập thơ Ngàn bài thơ khác khỏi dự giải nữa. Nhưng các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ… sau khi xem bản in Ngàn bài thơ khác do nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Minh Long chăm sóc mỹ thuật, đã động viên tôi nên dự giải. Với những nhà thơ như Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ… vốn là thần tượng của tôi xưa nay, được các vị động viên như thế, dù không được giải thì tôi cũng vui vô cùng. Với tôi, làm thơ có được những tri âm như thế là quá đủ.
Có tin đồn rằng ông là mạnh thường quân rất nhiều hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam nên việc ông được Giải thưởng có liên quan?
Như đã nói, được Giải thưởng hay không là việc xét giải của Hội Nhà văn Việt Nam chứ không phải của tôi. Tôi còn tài trợ rất nhiều hoạt động khác liên quan đến văn học ở nhiều nơi và làm công việc này rất âm thầm. Tôi nói ra điều này có tính chất chia sẻ chứ không phải để thanh minh bất cứ điều gì.
Nhà thơ Ngô Đình Hải cho rằng, làm thơ viết văn là một chuyện, còn giải thưởng lại là chuyện khác. Dự giải hay không dự giải, đoạt giải hay không đoạt giải không liên quan đến chất lượng của tác phẩm. Xưa nay rất nhiều tác phẩm và tác giả không dự giải cũng không hề gì, mà có dự giải cũng vậy thôi. Và chuyện văn thơ không liên quan đến việc tác giả là phú hộ, là quan lớn hay tác giả đang sinh viên hoặc chạy xe ôm mưu sinh, quan trọng là tài năng của họ thể hiện qua tác phẩm như thế nào vậy thôi.
Đại sứ văn hóa đọc Phương Huyền nhận Giải thưởng Nhà văn nữ Ấn tượng
Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2024 ngoài trao các Giải thưởng, Tặng thưởng cho các lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu phê bình còn trao Giải thưởng Nhà văn nữ Ấn tượng cho hai nhà văn Đỗ Thị Tấc (Lai Châu) và Phương Huyền (TPHCM). Đây là giải thưởng nhằm ghi nhận, tôn vinh những nỗ lực của nữ nhà văn Việt Nam trong cuộc sống, đặc biệt là những cống hiến cho cộng đồng.
Đại sứ Văn hóa đọc, nhà văn Phương Huyền trong một chuyến đem sách, quà và giao lưu với học sinh ở một huyện vùng xa của tỉnh Ninh Thuận |
Nhà văn Phương Huyền hiện đang là Đại sứ văn hóa đọc của TPHCM với rất nhiều hoạt động liên quan đến sách khi chị thường xuyên đem sách, quà, học bổng đến giao lưu với trẻ em ở nhiều vùng còn khó khăn. Có thể nói, nhà văn Phương Huyền là Đại sứ văn hóa đọc năng động nhất hiện nay.