Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đi nhậu và viết văn tuy hai mà một

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sáng 6/12, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức hội thảo “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng – Cuộc đời và sự nghiệp” nhân 10 năm ngày ông qua đời. Từ khi Nguyễn Quang Sáng (1932-2014) còn tại thế cho đến lúc này, rất nhiều đồng nghiệp, nhà nghiên cứu đã đánh giá gần như đầy đủ về “cuộc đời và sự nghiệp” của ông. Tôi chỉ xin góp thêm vài mẫu chuyện về ông Năm – tên gọi thân mật của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Hội thảo Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - Cuộc đời và sự nghiệp được Hội Nhà văn TPHCM tổ chức sáng 6/12
Hội thảo Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - Cuộc đời và sự nghiệp được Hội Nhà văn TPHCM tổ chức sáng 6/12

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng là người quảng giao. Nếu nói cường điệu một chút, ông quen cả Sài Gòn và quen một nửa Việt Nam. Vì sao Nguyễn Quang Sáng quen biết nhiều người đến vậy? Xin thưa, đầu tiên vì ông là nhà văn có nhiều tác phẩm được người đọc yêu thích. Lý do quan trọng không kém là ông rất chịu chơi - hiểu theo nghĩa tửu lượng của ông rất khá và siêng nhậu.

Đi thực tế trên bàn nhậu

Người Nam bộ có thói quen trước khi bàn công việc hãy uống với nhau vài ly cái đã. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đặc sệt Nam bộ như thế. Trong nhiều lần có việc phỏng vấn ông, câu đầu tiên ông nói với tôi: “Mày làm với tao vài ly cái đã”. Sau vài ly, câu chuyện cứ thế “vào đề”. Người cần hỏi không cần hỏi nữa mà “nội dung” cứ thế tuôn trào.

Nguyễn Quang Sáng nhiều lần nói ông tìm đề tài, chi tiết truyện trong quán nhậu. Vì khi nhậu, người ta mở lòng hơn và nói nhiều câu chuyện mà những lúc bình thường ít đề cập. Nguyễn Quang Sáng đi nhậu tức là đi thực tế.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền trong một lần vui miệng, kể rằng ông từng đi “thực tế” bia ôm với ông Sáng. Trong cuộc này, mấy ông nhà văn “thách” nhau ai viết được truyện “bia ôm” hay hơn. Kết quả, Nguyễn Quang Sáng có truyện Con ma da được người đọc đón nhận. Bản thân Đoàn Thạch Biền bái phục “bố già” Nguyễn Quang Sáng về truyện ngắn này.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đi nhậu và viết văn tuy hai mà một ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng (1932-2014). Ảnh chụp nhà văn tại tư gia năm 2010

Quan niệm uống rượu của Nguyễn Quang Sáng được chính ông “thi hóa” thành thơ. Năm 2007, NXB Văn học và Hội Nhà văn TPHCM xuất bản tập sách Sài Gòn thơ – tuyển thơ có mặt nhiều… nhà văn. Nguyễn Quang Sáng đóng góp bài thơ Rượu với mấy câu ngắn gọn như tuyên ngôn: “Trong mâm rượu/ Nếu nói xấu người vắng mặt/ Rượu sẽ thành thuốc độc/ Trong mâm rượu/ Nhắc, nhớ người vắng mặt/ Rượu sẽ ngọt ngào nước thánh/ Ta rót vào hồn nỗi nhớ thương”.

Trong nhiều lần hầu rượu “bố già”, tôi chưa thấy Nguyễn Quang Sáng “nói xấu” ai bao giờ. Có chăng là những lớp hậu sinh như tôi có hỏi về điều gì đó thì “bố già” trả lời. Nhưng Nguyễn Quang Sáng đều dặn: “Chuyện bàn rượu thôi nghe mày, không có viết báo à nghen. Chuyện nhậu chơi, tao không chịu trách nhiệm”.

Để ngày nào cũng có thể lai rai, nhà văn Nguyễn Quang Sáng có bí quyết riêng. Bí quyết vừa mới nêu trên là khi nhậu không “nói xấu người vắng mặt”. Bí quyết thứ hai, là sáng nào “bố già” cũng được vợ “tẩm bổ” cho một chén chè đậu xanh nhưng… không đường. Nhà văn tiết lộ: “Cái món này nó giúp lọc bớt chất độc trong cơ thể. Có vậy tao mới lai rai hoài được”.

Năm 2010, “bố già” bán căn nhà chung cư dành cho giới văn nghệ ở trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1 dọn về quận 7. Nhà quận 7 to đẹp hơn, đàng hoàng hơn nhưng dường như ở quận 7 nhà văn bị “trở ngại” trong việc đi nhậu.

Khi ông còn ở quận 1, thỉnh thoảng tôi gặp nhà văn đi bộ liêu xiêu trên vỉa hè. Những lần đó, tôi tấp xe vô chở ông về nhà. Vốn tính tôi hay đùa, chở ông về nhà xong tôi tỉnh bơ “đòi tiền xe ôm”. Tưởng “bố già” say, nhưng lần nào ông cũng trả lời: “Cái mặt mày… Chiều mai đến nhà chở tao ra quán trả tiền xe ôm cho mày bằng… rượu”.

Nhưng thời gian không sợ ai hết, kể cả “bố già” Nguyễn Quang Sáng. Nhiều người đọc chờ đợi ông viết hồi ký cũng như nhiều người nổi tiếng khác khi lớn tuổi đã làm. Hỏi ông, ông nói không viết, vì viết hồi ký dễ chủ quan “cái gì thuộc về mình đều tốt cả”. Ừ nhỉ, đã là con người không ai có thể “thập toàn”. Nhiều khi viết hồi ký còn “say” hơn cả say rượu thì thật… nguy hiểm. Nguyễn Quang Sáng không viết hồi ký vì lẽ đó.

Tuy nhiên, hồi ức về ông vẫn luôn hiện diện trong bạn bè. Nhà báo Trần Thanh Phương (1940-2020) tập hợp thành cả một cuốn sách Nguyễn Quang Sáng với bạn bè (NXB Tổng hợp TPHCM năm 2010) dày 350 trang gồm những bài viết của bạn bè về ông. Trong số những tác giả Nguyễn Quang Sáng với bạn bè, có rất nhiều người vừa là bạn văn, vừa là bạn rượu của ông. Có lẽ, sau chén rượu “ngọt ngào nước thánh” với Nguyễn Quang Sáng, là cái tình đọng lại để “ta rót vào hồn nỗi nhớ thương”.

Phương pháp sáng tác: Kể trước khi viết

Những ai quen thân nhà văn Nguyễn Quang Sáng đều biết phương pháp sáng tác của ông. Trước khi cầm bút viết một tác phẩm, nhà văn thường đem câu chuyện của mình kể cho tất cả mọi người nghe, để rồi ông lắng nghe phản hồi tức thời. Ông kể câu chuyện đến độ thuộc nằm lòng rồi mới ngồi vào bàn viết. Có lẽ, do cách viết văn như vậy, nên giới nghiên cứu văn chương cho rằng: Văn của Nguyễn Quang Sáng là văn của người kể chuyện bậc thầy.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đi nhậu và viết văn tuy hai mà một ảnh 2

Với nhà văn Nguyễn Quang Sáng (ngồi giữa), đi nhậu với bạn bè cũng là đi thực tế sáng tác. Ông thường kể câu chuyện sắp viết cho bạn bè nghe

Do đã chuẩn bị một tác phẩm qua nhiều lần kể đến độ thuộc lòng, nên khi viết nhà văn không còn vướng bận gì nữa, kể cả quần áo mặc trên người. Làng văn Sài Gòn vẫn thường nói với nhau: khi viết văn, anh Năm thường “nude trăm phần trăm”.

Nhà thơ Lê Minh Quốc từng chứng kiến việc này, kể lại: “Một lần ghé phòng riêng của nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi ông còn làm Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM. Gõ cửa bước vào, thật ngạc nhiên thấy ông đang ngồi cởi trần trước xấp giấy trắng, trên người chỉ quấn một chiếc khăn lông. Tôi ngạc nhiên hỏi anh Năm đang làm gì vậy? Ông nói đang viết văn nên không muốn vướng bận bất cứ điều gì kể cả quần áo”.

Với một tác phẩm truyện, thế mạnh của nhà văn Nguyễn Quang Sáng nằm ở chi tiết truyện. Những chi tiết truyện trong các tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng thường khiến người đọc bị ám ảnh. Chẳng hạn truyện Con gà trống của ông có chi tiết đáng nhớ xin tóm tắt, như sau: “Để không bị lộ bí mật nơi đóng quân trong rừng, cấp trên đã ra lệnh may yết hầu con gà trống vì sợ nó gáy. Nhà văn cho rằng, làm gà trống mà không được gáy thì thà chết còn hơn”.

Nhà văn Lê Văn Thảo (1939-2016) từng đọc một truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng có chi tiết khiến ông nhớ mãi. Chi tiết này kể về một đoàn văn công đi lên một ngọn đồi phục vụ văn nghệ cho bộ đội. Không may trước đó ngọn đồi bị pháo kích khiến không một người lính nào còn sống. Lẽ ra đoàn văn công rút lui nhưng họ đã ở lại nhặt từng phần thân thể để ghép lại thành hình từng con người. Và đoàn văn công tiếp tục biểu diễn văn nghệ phục vụ cho những người lính vừa hy sinh. Qua chi tiết truyện này đã miêu tả sự khốc liệt của chiến tranh.

Còn đạo diễn Trần Mỹ Hà thì nhớ hình ảnh trong một truyện Nguyễn Quang Sáng đã miêu tả. Ấy là mùa nước nổi ở quê nhà văn cũng là mùa cá linh theo dòng nước đổ về. Nhà văn viết rằng, cá linh nhiều đến độ mà âm thanh của cá phát ra giống như một đàn ong rừng đang bay. Theo Trần Mỹ Hà, những hình ảnh và chi tiết như thế trong truyện của Nguyễn Quang Sáng rất… điện ảnh.

Chẳng thế mà, những phim Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng…do nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết kịch bản đã trở thành những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Phim kinh điển nhờ nhiều chi tiết mà chỉ có những nhà văn từng trải qua như Nguyễn Quang Sáng mới viết lại được.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Đi nhậu và viết văn tuy hai mà một ảnh 3

Tượng nhà văn Nguyễn Quang Sáng đặt tại tư gia

Bức tượng bằng đồng tạc nhà văn Nguyễn Quang Sáng do một nhà điêu khắc giấu tên làm tặng. Đây là một bức tượng được làm rỗng ruột theo yêu cầu của nhà văn để khi ông mất bỏ tro cốt vào trong. Hiện tro cốt của nhà văn Nguyễn Quang Sáng đang yên vị bên trong bức tượng này đặt ở góc sân nhà ông ở quận 7, TPHCM. Trước khi mất, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã chọn hỏa táng thay vì xây lăng mộ. Theo nhiều người thân của ông, cho biết: Ông in tác phẩm đầu tay Đất lửa vào năm 1963, từ tác phẩm này đã sản sinh và hình thành tên tuổi Nguyễn Quang Sáng. Do nhà văn Nguyễn Quang Sáng sinh ra từ… lửa, nên anh đã chọn lửa để trở về.

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.