Nhà văn Nguyễn Một: Tôi tin mỗi tác phẩm cũng như đời người đều có số phận!

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Ngày 25/11 tại Bangkok (Thái Lan), giải thưởng Văn học ASEAN đã được trao cho nhà văn Nguyễn Một và nhà văn Nguyễn Bình Phương. Nhà văn Nguyễn Một nhận giải cho tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín ấn hành năm 2023 và Nguyễn Bình Phương với tiểu thuyết Một ví dụ xoàng ấn hành năm 2022.
Tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín ấn hành năm 2023 của nhà văn Nguyễn Một nhận giải ASEAN 2024
Tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín ấn hành năm 2023 của nhà văn Nguyễn Một nhận giải ASEAN 2024

Theo thông lệ, giải thưởng Văn học ASEAN được trao hàng năm cho một nhà văn thuộc mỗi quốc gia trong ASEAN. Nếu đúng thông lệ, thì năm 2024 này, giải ASEAN trao cho nhà văn Nguyễn Một và năm 2023 trao cho nhà văn Nguyễn Bình Phương.

Nhà văn Nguyễn Một có cuộc trao đổi với Ngày Nay vào khuya hôm qua (26/11) vì anh đang còn ở Thái Lan với các hoạt động rất dày.

Nhà văn Nguyễn Một: Tôi tin mỗi tác phẩm cũng như đời người đều có số phận! ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Một nhận giải Văn học ASEAN 2024

Thường thì giải thưởng Văn học ASEAN mỗi năm vinh 1 tác giả ở mỗi quốc gia thuộc ASEAN nhưng năm 2024 này lại trao cho 2 tác giả có tác phẩm ấn hành trong các năm 2022 và 2023. Anh có biết lý do tại sao lại có việc khác với thông lệ lâu nay?

Nhà văn Nguyễn Một: Tôi nghe giải thích là để thuận lợi cho công tác tổ chức, từ năm nay Hoàng Gia Thái Lan sẽ trao giải thưởng này hai năm một lần.

Khi biết mình được đề cử nhận giải Văn học ASEAN 2024, cảm xúc tức thời đến với anh lúc đó như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Một: Tôi rất vui vì tác phẩm và sự nghiệp sáng tác của mình không chỉ được bạn đọc yêu mến mà còn được giới chuyên môn đón nhận.

Là một nhà văn đọc nhiều, anh có thể so sánh đôi chút văn chương hiện nay của Việt Nam với các nước trong khu vực về số lượng tác phẩm ấn hành hàng năm, điều kiện sống và sáng tác của giới cầm bút cũng như cơ hội đưa đứa con tinh thần ra ngoài biên giới?

Nhà văn Nguyễn Một: Qua trao đổi với các nhà văn trong khu vực về tình hình sáng tác thì Việt Nam khá mạnh và đông đảo người cầm bút, về giá bán sách cũng tương đương, như nhà văn Osman Ayob (Malaysia) cho biết sách của ông có giá 32 RM tương đương 200.000 đồng, nhưng số lượng phát hành khá hơn khoảng 5.000 đến 10.000 cuốn lần in.

Tuy nhiên cũng như Việt Nam, phần lớn nhà văn không thể kiếm sống bằng nghề viết. Về cơ hội sách được dịch thì cũng chỉ một số ít được chọn và dịch, chủ yếu dịch ra tiếng Anh, chứ ít dịch ra các ngôn ngữ của các quốc gia trong khu vực.

Nhà văn Nguyễn Một: Tôi tin mỗi tác phẩm cũng như đời người đều có số phận! ảnh 2

Bà Bùi Thị Huệ (áo xanh bìa trái), Phó Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan chúc mừng nhà văn Nguyễn Một

Anh từng nhiều năm dạy học và lúc này anh làm khá nhiều thơ đăng báo với bút danh Dạ Thảo Linh, vậy bây giờ bạn đọc yêu thơ muốn đọc 1 tập thơ của anh thì làm cách nào?

Nhà văn Nguyễn Một: Tôi không có thế mạnh về thơ, nên không viết nhiều nên chưa có ý định xuất bản thơ, nhưng có khá nhiều bạn đọc đề nghị nên tôi sẽ chọn lọc in tập thơ có thể trong năm 2025.

Sau dạy học, anh cũng có rất nhiều năm làm báo, nhưng lúc này vẫn chưa xuất hiện nhà văn viết tiểu thuyết Nguyễn Một. Phải chăng những năm tháng sống với nghề báo là thời gian anh “tích lũy vốn” để hiện nay dành cho văn chương?

Nhà văn Nguyễn Một: Nhà văn Sương Nguyệt Minh có nhận xét: “Cuộc đời của Nguyễn Một mà không viết tiểu thuyết là lãng phí”. Chất liệu tiểu thuyết nằm trong đời tôi từ lâu, nhưng những tháng ngày dạy học, rồi làm báo, tôi dành hết sức lực cho việc kiếm sống lo cho gia đình nhỏ, nên tôi chưa dám chạm vào tiểu thuyết, một thể loại đòi hỏi phải tập trung và dài hơi.

Đến khi tôi được anh Trần Bá Dương mời về làm Giám đốc Văn hóa – Truyền thông cho tập đoàn THACO, không còn bận chuyện “cơm áo” tôi mới dành công sức cho tiểu thuyết.

Gần đây thật bất ngờ thấy anh đang vẽ tranh, xin hỏi anh học vẽ từ khi nào và anh có ý định chơi sắc màu nghiêm túc hay chỉ là giải trí sau giờ làm việc và viết văn?

Nhà văn Nguyễn Một: Tôi không học vẽ nhưng có năng khiếu từ nhỏ, thời dạy học tôi đã từng kiếm sống bằng nghề vẽ chân dung, phong cảnh rồi vẽ áo dài. Đến đầu năm nay, sau khi kết thúc tự truyện, tôi cảm thấy trống rỗng và tôi thấy rất nguy hiểm nếu sự trống rỗng kéo dài, tôi quyết định cầm cọ trở lại để nuôi dưỡng sự sáng tạo.

Tôi lên kế hoạch thể hiện những điều mình viết bằng màu sắc. Tôi vẽ vào các buổi tối và có dự định sang năm khi xuất bản tự truyện này sẽ giới thiệu cùng với bộ tranh “Từ trong ký ức”. Nếu bạn đọc và người xem ủng hộ, tôi sẽ dành ra một phần lớn cho hoạt động từ thiện của vợ tôi.

Sau bộ 3 tiểu thuyết Đất trời vần vũ, Ngược mặt trời, Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín thì nhà văn Nguyễn Một còn “bao nhiêu vốn” để tiếp tục trình làng tác phẩm mới và tác phẩm đó sẽ ra sao xin anh bật mí?

Nhà văn Nguyễn Một: Anh hỏi “còn bao nhiêu vốn” thì tôi chịu vì tôi cho rằng việc sáng tạo là chuyện của Chúa và Chúa sẽ ban ân sủng cho con người chút đỉnh, trong đó có chuyện văn chương, nên tôi không dại gì nói trước những gì mình viết “sẽ ra sao?” như anh hỏi, vì như thế là phạm tội kiêu ngạo (cười). Tôi tin mỗi tác phẩm cũng như đời người đều có số phận!

Những giải thưởng văn học mà anh đã nhận có tạo ra áp lực khi anh viết tác phẩm mới hay không?

Nhà văn Nguyễn Một: Tôi có nhiều giải thưởng nhưng chưa bao giờ thấy áp lực gì vì tôi quên chuyện đó nhanh lắm. Thú thật với anh, gia đình tôi có thói quen là không treo bằng khen của bất cứ thành viên nào, các bằng khen đều được cất vào tủ để làm kỷ niệm. Tôi nói với các con là chuyện khen thưởng thuộc về quá khứ, mà cuộc sống ở phía trước chỉ nên coi chuyện đó là kỷ niệm đẹp, vì kỷ niệm sẽ là thực phẩm nuôi sống tâm hồn, chứ kỷ niệm không thuộc về bức tường.

Xin cám ơn anh về cuộc trao đổi này!

Trước hết, tôi xin được cám ơn quý vị đã vinh danh cuốn tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" của tôi.


Giải thưởng văn học ASEAN là sự ghi nhận những trang viết chứa đựng tâm trạng của đời sống trong thời đại chúng ta đang sống để làm cầu nối giữa con người với con người, làm cho thế giới trở nên gần gũi và yêu thương hơn.


Tôi tin rằng, qua mỗi trang sách, con người có thể hiểu nhau hơn, thông cảm và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Đó cũng là thông điệp chính mà tôi gởi vào tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín.


Cuốn sách này tôi viết về chiến tranh ở miền Nam Việt Nam dưới cái nhìn của người dân quê chứ không phải cái nhìn của bên này hoặc bên kia, không miêu tả sự thù địch. Chiến tranh là một thực tại khốc liệt và bi đát mà người dân bị cuốn vào, phải cúi đầu chấp nhận.


Tất nhiên ngày nay, chiến tranh Việt Nam đã lùi xa gần nửa thế kỷ, tuy nhiên trên thế giới vẫn còn chiến tranh ở nhiều nơi, cướp đi hàng vạn sinh mạng, tàn phá tình yêu thương. Vậy nên tôi mượn bối cảnh chiến tranh để viết về thân phận con người và cũng để người đọc biết rằng mỗi phút, mỗi giây được sống trong hòa bình thật đáng quý biết bao.


Trích diễn từ nhà văn Nguyễn Một phát biểu khi nhận giải Văn học ASEAN 2024

Tác phẩm trong "Giấc mơ rực rỡ"
Cảm hứng từ di sản dân gian trong “giấc mơ rực rỡ”
(Ngày Nay) - “Giấc mơ rực rỡ” là tên triển lãm của họa sĩ Khổng Đỗ Duy vừa khai mạc tối qua 3/1/2025 tại Huyen Art House, 8A Đặng Tất, Q.1, TP.HCM. Đây là triển lãm cá nhân lần thứ hai của họa sĩ trẻ sinh năm 1987 quê Vĩnh Phúc, trưng bày hơn 20 tác phẩm được anh vẽ trong hơn một năm qua.
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
Google thanh toán phí sử dụng nội dung cho các cơ quan báo chí Canada
(Ngày Nay) - Ngày 3/1, Google thông báo đã thanh toán 100 triệu CAD (tương đương 69 triệu USD) cho các cơ quan báo chí Canada để sử dụng nội dung thông tin trên nền tảng này. Đây là một phần trong thỏa thuận giữa Google và Chính phủ Canada nhằm bù đắp thiệt hại về doanh thu quảng cáo của ngành báo chí truyền thống.