Vượt qua vết thương
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Hữu Đức vào những ngày cuối đông, ngoài trời rét căm căm, những cành phượng vĩ, cành bàng khẳng khiu, lặng lẽ trên những con phố cổ, chỉ chực chờ những giọt mưa xuân là đâm trồi, nảy lộc báo hiệu một mùa xuân đang tới.
Trong căn nhà tập thể nhỏ bé chỉ rộng khoảng 15m2 nằm hun hút trong con hẻm trên phố Hàng Thiếc (Hà Nội) nơi gia đình có tới 3 thế hệ sinh sống. Phía dưới là phòng hai ông bà và cũng là nơi sinh hoạt chung của cả gia đình. Căn gác nhỏ phía trên là nơi sinh hoạt của bố con anh Nguyễn Hữu Huy (chồng chị Huyền).
Ông bà Đức chia sẻ với PV.
Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn tranh thủ thời gian sơn lại ngôi nhà chuẩn bị đón Tết. Những việc như thế này trước đây đều do anh Huy con trai ông làm, ông chia sẻ: “Cũng sắp đến Tết rồi, Huy thì bận suốt ngày nên tôi tranh thủ quét lại sơn ngôi nhà để chuẩn bị đón xuân mới. Tuy mình có tuổi nhưng giúp được con cháu việc gì thì cố gắng làm để con cháu có thời gian làm việc, học tập”.
Tâm sự với chúng tôi về cuộc sống hiện tại, ông Đức chia sẻ: “Vợ chồng tôi đã về hưu mười mấy năm nay rồi, sức khỏe cũng không còn để lao động được nữa, lại hay đau yếu nên không đi làm thêm được gì. Mấy năm trước lo toan cho cuộc sống gia đình này đều do Huyền và Huy chịu trách nhiệm. Huyền cũng là một cô gái giỏi giang làm không kém chồng nên có thể nói Huyền cũng là nguồn lực chính trong gia đình. Chính vì vậy nên từ khi Huyền mất đi cuộc sống của chúng tôi cũng có rất nhiều xáo trộn”.
Vào dịp cuối năm công việc của anh Huy bận hơn rất nhiều bởi anh đang làm việc về lĩnh vực sơn nhà, vừa rồi anh nhận làm thêm một đại lý sơn nữa, công việc đòi hỏi phải đi lại nhiều. Với chi tiêu của cả gia đình buộc anh phải căng mình làm việc từ sáng tới tối, có hôm 9-10 giờ đêm mới về. Trước đây, mọi công việc trong gia đình hai vợ chồng san sẻ, gánh vác thì nay mọi gánh nặng được đặt lên vai anh vừa là người cha, vừa trở thành người mẹ tảo tần lo cho con nhỏ, cha mẹ già yếu.
Chăm ngoan học giỏi
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đã hơn 2 năm trôi qua kể từ cái ngày định mệnh ấy. Và cũng là hai cái Tết trong ngôi nhà thiếu đi bàn tay chăm lo của người mẹ, người vợ. Hai con anh giờ cũng đã biết vượt qua mất mát, chăm ngoan học giỏi.
Cháu Nguyễn Hữu Hoàng năm nay đã học lên lớp 10, thi được vào trường ngoại ngữ chuyên ngành tiếng Nhật ở Cầu Giấy, có những trường chuyên ở Hà Nội cháu đăng ký thi thừa tới cả 4-5 điểm.
Ông Đức cho biết: “Cháu đi học từ sáng đến khoảng 5-6h chiều mới về. Trường cách nhà cũng tới cả gần 20 cây số. Như nhà khác thì có bố mẹ đưa đón còn cháu toàn tự mình đi xe đến trường rồi tự đi về. Được cái ở môi trường đó các bạn trong lớp đều thi đua nhau học nên cũng không ai chuyện này nọ làm cháu phải buồn”.
Cậu con trai thứ 2 Nguyễn Lê Nguyên Khôi giờ cũng đã học lên lớp 5 trường Nguyễn Văn Ngọc, dù gần nhà nhưng do bố bận công việc, ông bà lại có tuổi nên nhờ người bác đang dạy học ở đó đưa đón và chăm sóc cháu lúc ở trường.
“May mắn là có bác dạy trong trường tiểu học ấy, cháu nó theo bác. Nên ông bà và bố cũng ít phải đưa đón. Bác cháu cũng chia sẻ thường xuyên về việc học tập, sinh hoạt của cháu ở trường, hoà đồng với các bạn. Ở nhà cháu cũng rất có ý hạn chế việc nhắc đến tên mẹ vì sợ ông bà buồn”, ông Đức chia sẻ.
Kể từ sau phiên toà phúc thẩm, mọi việc xong xuôi cả gia đình cố gắng trở lại nhịp sống bình thường. Tính đến thời điểm này gia đình, bạn bè, người thân đã lo chu toàn mọi việc cho dù có những chuyện cũng chưa được trọn vẹn.
“Chúng tôi đều già rồi chỉ mong đủ 3 năm cải táng đưa cháu về an nghỉ bên tổ tiên thì mới hoàn thành tâm nguyện”, ông Đức cho biết.
Bà Phạm Thị Trà (mẹ chồng chị Huyền) cũng chia sẻ: “Cũng rất may là các cháu đã lấy lại được tinh thần. Nhất là cháu lớn, sự việc xảy ra lúc cháu đang học lớp 8, nó bắt đầu biết suy nghĩ, không như cháu bé lúc ấy mới học lớp 3 chưa hiểu nhiều về sự việc. Thời gian đó gia đình chỉ sợ các cháu suy sụp, chểnh mảng việc học tập. Sau đó, sự việc kéo dài hằng năm trời, đó lại đúng là thời điểm cháu chuẩn bị thi cuối cấp”.
Mọi người trong gia đình ai cũng phải thừa nhận cháu Hoàng là một đứa trẻ có nghị lực rất lớn. Cho dù ông bà, mọi người trong gia đình cũng động viên cháu quen dần với việc thiếu vắng bàn tay chăm sóc, thương yêu của mẹ.
“Nhìn thấy cháu nó học là chúng tôi thấy mừng, dù buồn nhưng cháu vẫn kiên trì vượt lên. Nhiều lúc ngồi học một mình trên gác cháu vẫn nhớ mẹ khóc. Nhưng nhìn thấy ông bà nó lại lau nước mắt, giấu ông bà nỗi buồn của bản thân vì sợ ông bà tuổi đã cao lại suy nghĩ ảnh hưởng đến sức khoẻ”, bà Trà kể lại.
Đến cả bé Khôi cũng không bao giờ khóc, cháu cũng ý thức được chuyện xảy ra, không quấy rầy ông bà.
Sau sự việc xảy ra dường như cả hai bên nội ngoại càng thêm khăng khít, gắn bó chung tay chăm sóc cho các cháu. Lúc nào, cả ông bà nội ngoại cũng dành hết tình cảm yêu thương cho các cháu. Những ngày lễ Tết, hay có công việc gì anh Huy lại tranh thủ đưa con về gia đình ngoại hoặc cứ khoảng 2 tuần anh lại đưa 2 cháu xuống nhà ngoại chơi thứ 7, Chủ nhật.
Ông bà Đức thi thoảng cũng xuống thăm gia đình hai ông bà thông gia ở khu Kim Ngưu, cùng nhau chia sẻ chuyện dạy dỗ, chăm sóc hai cháu.
Còn đó những nỗi lo
Ông Đức chia sẻ với chúng tôi: “Sau khi sự việc xảy ra các cô bác bên công ty Huyền cũng rất tốt cứ lễ Tết đều đến thăm gia đình, thắp hương cho đồng nghiệp và tặng quà, động viên các cháu. Với tình cảm như vậy ngày Tết gia đình cũng cảm thấy ấm áp hơn. Tất nhiên, có nói gì cũng không thể bù đắp được những thiếu thốn về cả tình cảm lẫn vật chất khi có mẹ.
Huyền là một đứa giỏi giang, tháo vát, Tết đến con cái không chỉ có quần áo mới mà đến ngay cả bố mẹ hai bên nội ngoại Huyền cũng đều lo chu toàn. Vào dịp Tết biết là các cháu sẽ buồn nhớ mẹ, mọi người gia đình bên nội, ngoại đều cố gắng tạo bầu không khí ấm áp để các cháu quen dần khi vắng mẹ”.
Ông Đức canh cánh một nỗi buồn bởi cũng đã khá lâu sau phiên xét xử phúc thẩm. Gia đình nạn nhân và cả bên bị cáo cũng không còn có ý kiến gì, nhưng đến nay phần kinh phí mà toà đã tuyên nhằm hỗ trợ cho các con chị Huyền vẫn chưa thấy bên gia đình bác sỹ Tường có ý kiến gì.
Trong khi đó các cháu ngày càng lớn việc học hành thêm tốn kém, ngay cả số tiền trước đây gia đình vay mượn để lo việc tìm kiếm ròng rã, các công việc tâm linh khác vẫn chưa trả hết nợ.
Trước khi chia tay, ông Đức nhờ chúng tôi chuyển lời cảm ơn đến luật sư Vũ Gia Trưởng, luật sư Phạm Hương Giang đã hỗ trợ, giúp đỡ gia đình về mặt pháp lý. Ông cũng cảm ơn các cơ quan báo chí đã đồng hành với gia đình ông trong suốt thời gian qua. Ông tiếp tục công việc trang hoàng lại ngôi nhà để đón Tết Nguyên đán, gạt bỏ chuyện buồn để bắt đầu cuộc sống mới.
Dù thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ hiền nhưng chúng tôi tin rằng, hai cháu trong vòng tay thương yêu của ông bà nội ngoại, sự tảo tần của người cha chắc chắn các cháu sẽ có một tương lai tươi sáng phía trước.
Doãn Kiên – Đỗ Giang