Nhiều bất cập
Tình hình buôn lậu thuốc lá tại các địa phương trọng điểm như An Giang, Long An, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh… đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Phương thức vận chuyển thuốc lá lậu cũng có thay đổi so với trước, các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi hơn, bố trí người theo dõi trước trụ sở cơ quan của lực lượng chống buôn lậu, thuê người dò đường trước khi vận chuyển. Đối tượng vận chuyển sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ, thậm chí sẵn sàng tổ chức cướp hàng, tẩu tán tang vật, đánh tháo đối tượng bị bắt giữ.
Bên cạnh tình trạng buôn lậu thuốc lá gia tăng, trên thị trường nội địa, thuốc lá lậu cũng đang dần lấn át thị phần trong nước vì không phải in cảnh báo, không kiểm soát chất lượng và đặc biệt là giá rẻ. Trong khi đó, khung pháp lý để xử lý các đối tượng này lại đang phát lộ nhiều bất cập, chồng chéo, thậm chí “đá” nhau khiến các lực lượng chức năng khó xử lý hình sự các đối tượng này.
Cụ thể, theo khoản 22 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ, quy định: “Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sợ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Điều 62 Luật Xử lý vi phạm hành chính”.
Tuy nhiên, khoản 2 Điều 7 Thông tư liên tích số 36/2012/TTLT-BCT-BCA- BTP-BYT-TANDTC lại quy định việc xác định số lượng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự phải có số lượng từ 1.500 trở lên. Do vậy, các vụ việc số lượng trên 500 bao đến dưới 1.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu khi chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự thì lại bị vướng bởi quy định này.
Theo Nghị định số 43 (ngày 07/5/2009) hướng dẫn thi hành Luật Thương mại 2005 đã bổ sung mặt hàng “Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu” vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; điều 9 của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 đã quy định “mua bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu” là những hành vi bị nghiêm cấm.
Luật Đầu tư 2014 lại “mâu thuẫn” với 02 luật này khi không quy định cấm đầu tư kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu mà chỉ quy định sản xuất kinh doanh thuốc lá điếu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Điều này gây hiểu nhầm là kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu cũng thuộc ngành nghề có điều kiện và tạo ra khó khăn trong công tác xử lý hình sự đối với kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu trong thực tiễn.
Đặc biệt, theo Hiệp hội thuốc lá, vấn đề bất cập nhất hiện nay là việc thay đổi một số nội dung ở điều 190 và 191 của Bộ Luật Hình sự 2015 gây bất lợi đến công tác đấy tranh với vấn nạn buôn lậu thuốc lá, cụ thể: Các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm nói chung và thuốc lá nhập lậu nói riêng được BLHS 2015 điều chỉnh tại 2 điều là 190 – Tội sản xuất buôn bán hàng cấm và Điều 191- tội tàng trự, vận chuyển hàng cấm.
Cả hai điều này đều bãi bỏ quy định về số lượng lớn, số lượng rất lớn và số lượng đặc biệt lớn khi xác định tội danh và khung hình phạt như quy định trước đây tại Bộ luật hình sự năm 1999. Theo đó, thuốc lá nhập lậu phải có giá trị phạm pháp phải tối thiểu bằng 100 triệu đồng đối với khung hình phạt 1; Giá trị hàng hóa 300 triệu đồng trở lên với khung hình phạt 2 và 500 triệu đồng đối với khung hình phạt 3 mới xử lý hình sự được. Đối với thuốc lá nhập lậu, mức này là rất cao so với mức hiện hành tại Khoản 2, điều 7 thông tư 36/2012.
Hiệp hội thuốc lá phân tích: Nếu tính giá do các đối tượng buôn lậu bán buôn trung bình đối tượng 02 sản phẩm Jet và Hero với mức giá 15.000đ/bao thì với số lượng vận chuyển từ 1.500 bao; 4.500 bao và 13.500 bao theo Thông tư 36 sẽ tương đương với 22,5 triệu đồng; 67.5 triệu đồng và 202,2 triệu đồng … Giá trị thấp hơn rất nhiều lần so với giá trị hàng cấm tối thiểu để xử lý theo khung hình phạt 1,2,3 tại điều 190 và 191 BLHS 2015 mới là 100 triệu đồng; 300 triệu đồng và 500 triệu đồng.
Tiêu huỷ thuốc lá nhập lậu |
Cần thống nhất hành lang pháp lý
Luật sư Vũ Cát Tường – Luật sư điều hành công ty Luật TNHH TC và Cộng sự cho rằng, một số quy định tại điều 190 và 191 của Bộ luật hình sự 2015 về kinh doanh thuốc lá nhập lậu rất khó để cơ quan tố tụng hình sự thực hiện.
Cụ thể, quy định cơ sở định tội và định khung dựa trên giá trị hàng cấm dẫn đến yêu cầu phải định giá hàng cấm mới có thể xử lý hình sự. Khi định giá tài sản trong tố tụng hình sự, phải bảo đảm nguyên tắc phù hợp giá thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm (Nghị định 26/2005/NĐ-CP, và Thông tư 55/2006/TT-BTC). Về bản chất, thuốc lá nhập lậu là mặt hàng cấm, do vậy các giao dịch đối với mặt hàng này đều không hợp pháp, và không được pháp luật công nhận. Bộ luật Dân sự đã quy định rất rõ rằng giao dịch dân sự “có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của luật” thì vô hiệu. Do đó, giá trong các giao dịch dân sự vô hiệu đó cũng sẽ không được công nhận. “Việc định giá hàng cấm như quy định tại BLHS 2015 là không đảm bảo nguyên tắc “bảo đảm tính khả thi” của pháp luật như đã được quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.” – Luật sư Vũ Cát Tường khẳng định.
Trước tình trạng buôn lậu thuốc lá ngày càng gia tăng và manh động, bất chấp pháp luật như hiện nay, Hiệp hội thuốc lá Việt Nam kiến nghị cần siết chặt các quy định của pháp luật liên quan đến xử lý các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu.
“Chúng tôi kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn mâu thuẩn gây khó khăn cho công tác bắt giữ, xử lý hành vi buôn bán thuốc lá lậu, cụ thể: Sửa đổi khoản 2 điều 7 Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC phù hợp với quy định tại khoản 22 điều 1 nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ”, ông Vũ Văn Cường – Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam kiến nghị.
Cũng theo ông Cường, cần bỏ quy định áp dụng giá trị hàng phạm phát tối thiểu làm căn cứ để định tội và định khung đối với các tội danh liên quan đến hoạt động buôn bán , vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu, giữ nguyên quy định xử lý hình sự đối với các hành vi kể trên dựa trên cơ sở số lượng (lớn, rất lớn và đặc biệt lớn) như đang quy định tại BLHS 1999.
“Đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư năm 2014 theo hướng quy định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý hình sự đối với những người có hành vi nhập lậu, tàng trữ, kinh doanh, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu theo quy định tại Điều 153, Điều 154 và Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 1999”, ông Cường nói.