Tình trạng nhập lậu thuốc lá đang gây thất thu ngân sách Nhà nước khoảng 318 triệu USD/năm. Các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp mạnh tay với các hành vi vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu, nhưng những ngày cuối năm 2014 và đầu năm 2015, nạn buôn lậu thuốc lá đang có dấu hiệu phức tạp hơn.
Nhức nhối thuốc lá lậu cuối năm
Tuyến biên giới phía nam như Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang… và TP Hồ Chí Minh luôn được đánh giá là điểm nóng về vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu. Những ngày cuối năm, các cơ quan chức năng như Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Cục Cảnh sát Kinh tế (C46 - phía nam) kết hợp quản lý thị trường các địa phương đã quyết liệt xử lý hàng loạt vụ việc liên quan buôn lậu thuốc lá. Tuy nhiên, hoạt động vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu qua biên giới đang tỏ ra tinh vi, manh động hơn và đặc biệt có dấu hiệu của việc cấu kết giữa buôn lậu với chính quyền địa phương.
Qua vụ việc nêu trên có thể nhận diện rõ hơn về sự liên kết giữa các đối tượng buôn lậu với các cấp chính quyền địa phương. Một lãnh đạo C46 phía nam bức xúc: Địa phương có đầy đủ các lực lượng Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường… thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu nhưng hầu như cả năm không bắt được vụ buôn lậu thuốc lá lớn nào mà chỉ đến khi cơ quan chức năng thuộc cấp Bộ, T.Ư vào cuộc thì mới phát hiện xử lý được (?). Nghiêm trọng hơn, ngay cả các đối tượng đã bị bắt quả tang và chống người thi hành công vụ, khi giao lại chính quyền địa phương cũng không hề bị xử lý.
Trước đó, ngày 23-12-2014 Cục Cảnh sát Kinh tế (Bộ Công an) đã phối hợp lực lượng quản lý thị trường bắt quả tang một xe khách chở 16.350 gói thuốc lá nhập lậu khi đang trên đường vận chuyển từ cửa khẩu biên giới Long An về TP Hồ Chí Minh. Lái xe Võ Văn Phúc khai nhận đã được một chủ hàng thuê chở lô hàng với giá 10 triệu đồng từ huyện Đức Hòa (Long An) về Đồng Nai tiêu thụ. Toàn bộ số thuốc lá trên đều không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, nên đã bị tịch thu, làm rõ.
Thuốc lá lậu đang gây thất thoát nghiêm trọng nguồn thu ngân sách Nhà nước. |
Bao giờ hết thuốc lá nhập lậu?
Dường như đã trở thành quy luật, thời điểm cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát thuốc lá lậu, thị trường trở nên khan hiếm và đương nhiên sự chênh lệch giá của các loại thuốc nhập lậu lại tăng theo. Hiện nay, tại khu vực TP Hồ Chí Minh mỗi cây thuốc lá hiệu Jet hoặc Hero có độ chênh lệch giá rất lớn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thuốc lá lậu vận chuyển từ cửa khẩu về TP Hồ Chí Minh được trả công khoảng 50 nghìn đồng/cây. Nhằm qua mặt cơ quan chức năng, các đầu nậu thường thuê khoán người dân hoặc xe ôm vận chuyển khoảng từ năm đến mười cây thuốc lá, mỗi lần vận chuyển trót lọt sẽ nhận được từ 250 đến 500 nghìn đồng. Trong khi đó, thuốc lá lậu bán lẻ tại thị trường trong nước đem lại lợi nhuận đạt từ 3,3 đến 5,4 lần. Lợi nhuận lớn như vậy cũng lý giải vì sao tình trạng buôn lậu thuốc lá ngày càng thách thức các cơ quan chức năng.
Theo Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, trong vòng bảy năm trở lại đây, mỗi năm lượng thuốc lá ngoại thẩm lậu vào thị trường nội địa xoay quanh mức 750 triệu bao. Thuốc lá nhập lậu có khoảng 100 loại sản phẩm khác nhau nhưng có 80% là mang nhãn thuốc lá Jet và Hero. Đặc biệt, đã có thời điểm xuất hiện nhiều loại thuốc lá nhập lậu nhưng giá chỉ tương đương các loại sản phẩm hạng trung hoặc thấp hơn giá thuốc lá sản xuất trong nước, thậm chí chỉ bằng khoảng một nửa so giá các sản phẩm vinataba và thuốc lá Thăng Long sản xuất. Chính vì giá rẻ nên thuốc lá ngoại nhập lậu được bày bán tràn ngập thị trường TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long… chiếm khoảng 25 đến 27% thị phần.
Trong khi đó, chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, năm 2014, bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo 389 của thành phố phối hợp Hiệp hội thuốc lá Việt Nam đã giám sát tiêu hủy 75.453 bao thuốc lá ngoại các loại tịch thu được. Đồng thời phối hợp cơ quan chức năng thực hiện tái xuất 885.885 gói thuốc lá các loại, trị giá tiền tái xuất hơn 3,6 tỷ đồng. Cơ quan chức năng của thành phố cũng đã tạm giữ hoặc tịch thu hơn 400 xe gắn máy và chín xe ô-tô chuyên chở thuốc lá nhập lậu từ các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp… về thành phố tiêu thụ.
Trước những thực trạng diễn biến phức tạp của thuốc lá lậu, ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng: Có những khu vực trọng điểm buôn lậu, vận chuyển thuốc lá lậu cả năm cơ quan chức năng không phát hiện, bắt giữ vụ với số lượng thuốc lá nhập lậu lớn nào, thế nhưng vào những thắng cao điểm cuối năm và đầu năm với sự kết hợp chặt chẽ của các bên như Ban chỉ đạo 389, C46 và quản lý thị trường đã liên tiếp phá án với mức độ lên đến hàng chục nghìn cây thuốc lá lậu. Như vậy, có thể thấy hiệu quả mang lại đã rõ nhưng thực chất về lâu dài cần có sự duy trì của các lực lượng này và đồng thời gắn chặt trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương để ngăn chặn, xử lý. Tuy nhiên, theo ông Hùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng đã giảm bớt được phần nào nhưng trên thực tế thuốc lá lậu với các nhãn hiệu nổi tiếng như 555, Hero, Dunhil, Jet… vẫn tràn ngập thị trường tại các cửa hàng bán lẻ và đây có lẽ là một trong những “kênh” quan trọng để thuốc lá lậu còn “đất” để tồn tại. Theo nhận định của C46, việc thuốc lá lậu vẫn đang xuất hiện bày bán tràn lan ở các điểm kinh doanh nhỏ lẻ như quán cà phê, quán nước, xe đẩy vỉa hè gần như được buông lỏng việc kiểm tra, bắt giữ, xử lý, cho nên khó ngăn chặn triệt để thuốc lá lậu.
>>> Xem thêm
3 nhân viên Jetstar Pacific Airlines trộm xăng máy bay đem đi tiêu thụ
Ngày 4/2, xét xử nghi can vụ án oan 10 năm Nguyễn Thanh Chấn
Hợp tác cùng Thời nay