Trong phiên sáng nay, giá vàng trong nước không có nhiều biến động, phổ biến giữ nguyên mức giá chốt phiên hôm qua hoặc giảm nhẹ. Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI giảm 20 nghìn đồng/lượng so với chốt phiên liền trước, ở mức 36,21 – 36,31 triệu đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu cũng giảm 20 nghìn đồng/lượng vàng SJC, ở mức 36,22 – 36,30 triệu đồng/lượng. Mức giảm 20 – 40 nghìn đồng mỗi lượng cũng được các doanh nghiệp áp dụng phổ biến trong năm nay.
Nhìn lại phiên giao dịch ngày 8/5, lúc mở cửa giá vàng miếng trong nước tăng nhẹ, trong phiên giá vàng dao động trong biên độ hẹp. Theo DOJI, so với mức độ tham gia thị trường ở phiên trước đó, thị trường trong nước hôm thứ Tư ghi nhận mức độ giao dịch tăng khá mạnh, trong đó lượng khách mua vàng vào chiếm tới 70% số lượng khách tham gia giao dịch tại đơn vị này.
Giá vàng trong nước quay đầu giảm theo giá vàng thế giới |
Trên thế giới, giá vàng cũng đã quay đầu giảm về mức 1.281 USD/ounce. Trong phiên hôm qua, giá vàng thế giới dao động quanh ngưỡng 1.279 – 1.291 USD/uonce. Ở thị trường châu Á lên mức cao nhất trong hơn một tuần, do đàm phán thương mại Mỹ – Trung đứng trước nhiều sóng gió khiến các nhà đầu tư hướng tới tài sản an toàn như vàng. Bước sang phiên Mỹ, giá vàng giảm sau khi vượt mốc 1.290/ounce.
Thị trường New York, giá vàng giao kỳ hạn tháng 6/2019 giảm 4,20USD/ounce tương đương 0,3% xuống 1.281,40USD/ounce. Trong phiên đã có lúc giá vàng lên mức 1.292,8/ounce.
Các chuyên gia nhận định răng, thị trường có thể đang giao dịch trong trạng thái cầm chừng, bởi xét đến nhiều rủi ro liên quan đến đàm phán thương mại tại Washington. Các cuộc đàm phán thương mại trong tuần này sẽ có thể giúp cân bằng thị trường vàng và tâm lý của giới đầu tư.
SPDR Gold Trust, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới, cho biết lượng vàng do quỹ nắm giữ vẫn ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018. Trong khi đó, nhu cầu mua vàng tại châu Á dự báo sẽ tăng lên, do tiêu thụ vàng của người dân Ấn Độ trong dịp lễ Akshaya Tritiya năm nay dự báo sẽ tăng tối thiểu 10% so với năm ngoái.