Ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn vào cuối tháng 9 vừa qua đã làm không ít nông dân, hợ tác xã (HTX) rơi vào thiệt hại vì nông sản hư hỏng. Tại Thái Bình, mưa lớn đã khiến khoảng 11.000ha lúa mùa bị nghiêng đổ (tương đương gần 15% tổng diện tích lúa) và khoảng 6.700 ha rau màu bị ảnh hưởng.
Ông Ngô Văn Khởi, Giám đốc HTX Thái Xuyên (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cho biết, do mưa lớn nên tùy vào từng ruộng mà diện tích lúa của HTX bị ngập từ 30-70% thân cây. Có diện tích còn bị đổ ngả và đổ rạp.
Còn tại HTX Dịch vụ và Tổng hợp nông nghiệp Vinh Xuân (Nghệ An), do trồng rau màu nên khi gặp mưa lớn, gây ngập úng, diện tích rau đã bị dập nát, úng, hư hỏng lên đến khoảng 9/12ha. Điều này coi như khoảng 70% thu nhập của người dân, thành viên HTX đã cuốn theo mưa.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, hàng năm, mưa lũ, hạn hán…sẽ cuốn đi thành quả của người nông dân, HTX với khối tài sản ít nhất khoảng 1,5% GDP. Vì vậy, họ cần một sự bảo đảm cho thành quả lao động, bởi vậy bảo hiểm nông nghiệp cũng được các ngành chức năng coi đây là giải pháp hiệu quả.
Tuy nhiên, với vai trò là những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, không ít nông dân, HTX vẫn còn những băn khoăn về bảo hiểm nông nghiệp.
Ông Trương Hữu Tấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp Kim Thành (Thừa Thiên Huế) cho biết, chính sách về bảo hiểm nông nghiệp đã được Nhà nước quan tâm và đề ra nhưng về độ bao phủ chưa cao.
Ngay như Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương mà sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai, thời tiết nhưng chính sách bảo hiểm nông nghiệp về các cây, con lại không đề cập đến tỉnh này. Chính vì vậy, người dân dù rất muốn tham gia bảo hiểm nông nghiệp cũng không thể tiếp cận được.
Còn theo ông Nguyễn Văn Học, Giám đốc HTX Chăn nuôi tổng hợp Văn Học (Bình Định), nhiều người dân, thành viên đã phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn và muốn tham gia bảo hiểm nông nghiệp nhưng khi tìm hiểu mới thấy, chương trình bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định số 13/QĐ-TTg chỉ tập trung vào bệnh như tai xanh, nhiệt thán, lở mồm long móng...
Đây là những bệnh đã được khống chế khá tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây có bệnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng hay bệnh viêm da nổi cục ở bò nhưng chính sách lại không đề cập đến bệnh này.
“Trong quy định bảo hiểm nông nghiệp có bệnh dịch tả lợn châu Phi, hay bệnh viêm da nổi cục thì sẽ có nhiều nông dân, thành viên HTX tham gia, bởi bệnh này hiện không chỉ lây lan ở Bình Định mà còn nhiều tỉnh thành trên cả nước gây thiệt hại nghiêm trọng”, ông Học chia sẻ.
Có thể thấy, chính sách về bảo hiểm nông nghiệp hiện vẫn còn những khoảng trống nhất định làm hạn chế sự tham gia của nông dân, thành viên HTX. Chẳng hạn như địa phương được hưởng chính sách mới chỉ gói gọn ở 28 tỉnh, thành. Các dịch bệnh cũng chưa mang tính bao quát mà mới ở dạng thí điểm nên không mang lại hiệu quả cao, không đảm bảo và đáp ứng được nhu cầu của người tham gia.
GS-TS Nguyễn Văn Định, nguyên giảng viên Khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, hiện khung chính sách còn chưa mang lại sự thuận tiện cho người dân, HTX khi tham gia bảo hiểm. Cụ thể như nhiều hộ dân, HTX gặp khó khăn trong phát triển chăn nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa vì vướng quy định pháp luật về đất đai.
Chính vì vậy, buộc họ phải chăn nuôi theo tập quán chăn thả tự nhiên nhưng điều này lại không đáp ứng được yêu cầu của bảo hiểm vật nuôi, đặc biệt là các địa phương ở khu vực miền núi.
Hay ngay như chính sách bảo hiểm cho thủy sản hiện mới chỉ tập trung vào các rủi ro thiên tai mà chưa quan tâm đến rủi ro bởi dịch bệnh. Trong khi đây cũng là những rủi ro lớn, gây thiệt hại cho nông dân, HTX khi thực hiện nuôi trồng thủy sản trên quy mô lớn.
Ngoài ra, một trong những yếu tố khiến bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển mạnh ở Việt Nam đó chính là thu nhập của nông dân, thành viên HTX còn thấp và không ổn định nên khả năng tài chính đáp ứng nhu cầu của các hợp đồng bảo hiểm còn rất hạn chế.
Hiện ở Việt Nam, thiên tai, bão lũ thường diễn ra dồn dập, nhiều nên rủi ro nông nghiệp lớn dẫn đến thiệt hại về thu nhập, của cải của nông dân, HTX. Điều này đi liền với thu nhập của người dân, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp giảm nên việc thiếu vốn để tái sản xuất, trả vốn vay tín dụng xảy ra.
Chính vòng quay này khiến họ càng rơi vào vòng luẩn quẩn của khó khăn nên khó có thể tham gia bảo hiểm, nhất là việc duy trì mức phí bảo hiểm là chuyện không hề dễ.
Xét cho cùng, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng làm sao để công cụ phòng ngừa như bảo hiểm nông nghiệp có độ bao phủ cao hơn thì các bộ ngành cần phải nhanh chóng có những giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách để khắc phục khó khăn, vướng mắc mà người dân, HTX đang gặp phải.
Chẳng hạn như chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp lên đến 90% cho hộ nghèo nhưng chỉ dừng ở mức 20% cho những cá nhân, hộ gia đình không thuộc hộ nghèo là chưa hợp lý. Điều này chưa thực sự khuyến khích được nhóm hộ sản xuất hàng hóa, quy mô lớn và các tổ chức sản xuất khác phát triển kinh tế nông nghiệp, tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Theo các chuyên gia, nếu không có quy định pháp luật phù hợp thì rất khó tạo được niềm tin cho người dân, HTX. Nhưng khi pháp luật rõ ràng, người dân thấy rõ lợi ích của bảo hiểm nông nghiệp thì sẽ chủ động tham gia và nâng cao được ý thức, trách nhiệm trong thực hiện các hợp đồng bảo hiểm.