Giáo dục - Trung tâm của chấn hưng văn hoá

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Giáo dục là con đường duy nhất để đào tạo ra những thế hệ có văn hoá, bao gồm từ kiến thức, kỹ năng, cũng như kỷ luật. Giáo dục tạo ra văn hoá, và cũng giúp truyền bá lại văn hoá một cách liên tục và thống nhất.

Ngày 24/11, Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 được tổ chức với sự tham dự của khoảng 600 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà quản lý văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiêu biểu. Hội nghị được kết nối trực tuyến với hàng trăm điểm cầu tại các tỉnh, thành phố cùng nhiều bộ, ngành trên cả nước.

Giáo dục - Trung tâm của chấn hưng văn hoá ảnh 1
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 với nhiều nội dung quan trọng nhằm đưa ra những giải pháp chấn hưng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Có hai điều khiến tôi đặc biệt chú ý, một chính là tính lan toả rất mạnh trong dư luận của một hội nghị đơn thuần về văn hoá, và thứ hai, chính là sự tham gia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ với vị trí người đứng đầu của Đảng, mà còn với tư cách là một người làm văn hoá như bao đại biểu khác.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư nêu rõ: “Hội nghị văn hóa toàn quốc của chúng ta hôm nay là một dịp quan trọng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, nhất là những người làm công tác văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ của cả nước, quán triệt sâu sắc, toàn diện và đồng bộ hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng ta, đặc biệt là quan điểm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về việc xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta cùng nhau nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc.

Có thể thấy một tầm nhìn xuyên suốt khi trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" tháng 5/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hoá thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hoá nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”.

Trong 35 năm qua, kể từ Đổi Mới, mục tiêu phát triển kinh tế luôn được đặt lên ưu tiên cao nhất. Điều này không thể phán xét đúng hay sai, mà đó là tất yếu để thoát khỏi tình trạng đói nghèo của những năm bao cấp. Văn hoá chưa khi nào bị bỏ bê, nhưng nó không còn là chủ lưu của các chương trình nghị sự, khi những bức thiết về xoá đói giảm nghèo, tăng trưởng GDP và xây dựng cơ sở hạ tầng đều mang tính sống còn.

Giáo dục - Trung tâm của chấn hưng văn hoá ảnh 2

Tác giả: Nhà báo Phạm Hữu Quang

Tuy nhiên cùng với sự phát triển kinh tế, nhiều vấn đề xã hội đã nảy sinh. Không khó để nhận ra, vấn nạn xã hội ngày nay không còn là do đói nghèo nữa, mà nó đang dần chuyển sang thái cực đối nghịch, là dư thừa của cải và chủ nghĩa bái vật. Tiền bạc được sùng bái tới mức cực đoan, trong khi văn hoá gần như bị co lại với định nghĩa rất hẹp là phục vụ cho giải trí, với vô vàn những sự lệch lạc đáng lo ngại.

Nguy hiểm ở chỗ, những vấn đề này chắc chắn sẽ càng trầm trọng thêm khi kinh tế phát triển hơn, nó khiến xã hội rơi vào thế lưỡng nan, không thể cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, xây dựng nền văn hoá tiến bộ, đậm đà bản sắc như chúng ta mong muốn. Chưa kể, khi sự suy đồi văn hoá lên tới đỉnh điểm, nó cũng sẽ chính là sự cáo chung của một xã hội bất kể là thịnh vượng, hùng mạnh đến đâu, như ta đã thấy trong những ngày cuối cùng của đế chế La Mã.

Từ vài nghìn năm về trước, các nhà thông thái ở Athen hay thành Khúc Phụ, đều đã nhận ra rằng căn nguyên của sự huỷ diệt xã hội, đều đến từ việc văn hoá suy đồi. Và nếu Aristoteles và Khổng Tử có điểm gì chung, thì đó chính là họ đều tin rằng, giáo dục, chính là trung tâm của sự chấn hưng văn hoá.

Niềm tin ấy cho tới ngày nay, vẫn được chứng minh là một chân lý vượt tầm thời đại. Giáo dục là con đường duy nhất để đào tạo ra những thế hệ có văn hoá, bao gồm từ kiến thức, kỹ năng, cũng như kỷ luật. Giáo dục tạo ra văn hoá, và cũng giúp truyền bá lại văn hoá một cách liên tục và thống nhất.

Đặc thù quan trọng của văn hoá, là mang tính cộng đồng. Chúng ta không thể tách cá nhân ra khỏi tập thể, cũng như tách người dân ra khỏi Nhà nước khi nói về văn hoá, vì tất cả đều bị ràng buộc bởi những quy ước, chuẩn mực chung. Và giáo dục chính là bộ đồng tốc để tất cả những thành phần xã hội ấy cùng chạy trơn tru, nhịp nhàng và vĩnh cửu.

May mắn nhất trong công cuộc chấn hưng văn hoá vĩ đại này, là chúng ta đã nhận ra và bắt đầu từ đủ sớm. Nếu so sánh với Trung Quốc, ở trình độ phát triển kinh tế đi trước Việt Nam từ 10-20 năm, thì họ cũng đang mới chỉ mới bắt đầu việc này trong vài năm trở lại đây. Điều này là lợi thế, nhưng cũng là thách thức, khi chúng ta sẽ phải tự tìm ra con đường chấn hưng, phát triển văn hoá cho riêng mình, mà không có những bài học thành công, vấp ngã của các quốc gia đi trước.

Vai trò của văn hoá, như từng được đúc kết ngắn gọn bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính là soi đường cho quốc dân đi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt nhấn mạnh vị trí, vai trò của giáo dục đào tạo và xây dựng con người trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam": “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”.

Đó cũng là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021: “ Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.