Theo hãng tin Al Jazeera, vào tuần trước, Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif tuyên bố rằng ứng của viên vaccine COVID-19 của Nga đã trở thành vaccine nước ngoài đầu tiên được chấp thuận sử dụng tại Iran. Tuy nhiên, điều này đã làm dấy lên cuộc tranh cãi kịch liệt.
Ông Zarif đã có mặt tại Moscow trong khuôn khổ chuyến công du ngoại giao qua vùng Caucasus. Tại đây, ông đã tuyên bố phê duyệt sử dụng khẩn cấp vaccine Sputnik V và cho biết Iran có mục tiêu bắt đầu sản xuất loại vaccine này trong tương lai gần.
Lô vaccine đầu tiên gồm 10.000 liều dự kiến sẽ được chuyển đến Iran vào 4/2. Trong khi đó, dự kiến có tới 400.000 liều vaccine được được gửi thành nhiều đợt đến Iran trước khi năm dương lịch của nước này kết thúc vào cuối tháng 3 tới.
Nhân viên y tế và nhóm người dễ bị tổn thương là những đối tượng đầu tiên được tiêm vaccine. Tuy nhiên, các quan chức y tế đang bế tắc trong cuộc tranh luận về loại vaccine này.
Cuộc tranh cãi nổ ra trước hết do sự hoài nghi vaccine nhằm vào Sputnik V đến từ một chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Iran và là chuyên gia hàng đầu trong nỗ lực sản xuất vaccine trong nước, bà Minoo Mahraz.
Mahraz cho biết bà sẽ không sử dụng Sputnik V vì loại vaccine này vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay Cơ quan Dược phẩm châu Âu chấp thuận. Thêm vào đó, bà cho rằng việc Iran nhập khẩu vaccine này là “vận rủi của người dân Iran”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Iran Saeed Namaki cho biết bất kỳ tuyên bố nào về việc nhập khẩu vaccine không an toàn đều có thể bắt nguồn từ “những ác ý”.
“Chúng tôi sẽ cung cấp vaccine cho chính gia đình mình để mọi người biết rằng chúng tôi coi sức khỏe của mọi người quan trọng hơn chính bản thân mình,” ông Namaki nói trên truyền hình.
Hiện, một số quan chức Iran vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận của Al Jazeera. Chính phủ Iran cũng đã bác bỏ tuyên bố nước này mua vaccine Sputnik V vì lợi ích chính trị.
Hôm 3/2, Chánh Văn phòng Tổng thống Hassan Rouhani, Mahmoud Vaezi, cho biết Iran có thể đã được tiếp cận với Sputnik V - loại vaccine đầu tiên trên thế giới nhận được sự chấp thuận quốc tế hồi tháng 8/2020- sớm hơn vì mối quan hệ tốt đẹp với Nga. “Nếu vaccine được mua một cách thiếu thận trọng và không có sự đánh giá của chuyên gia, thì quá trình này sẽ không mất nhiều thời gian,” ông Vaezi nói.
Tuy nhiên, gần 100 thành viên của Hội đồng Y tế Iran đã ký một lá thư gửi tới Tổng thống Rouhani nói rằng việc mua Sputnik V trước khi vaccine này được quốc tế phê duyệt có thể là điều "nguy hiểm".
“Dường như những suy tính ngoại giao trong việc mua loại vaccine này đã ngăn cản việc đánh giá tiêu chuẩn của nó”, lá thư viết.
Ông Hosseinali Shahriari, người đứng đầu Ủy ban y tế của Quốc hội, cho biết ông sẽ không sử dụng loại vaccine này. Ông đề xuất bất kỳ loại vaccine nước ngoài nào trước tiên cũng nên được thử nghiệm ở các quan chức.
Theo kết quả đánh giá ngang hàng được công bố trên Tạp chí The Lancet hôm 2/2, Sputnik V có hiệu quả 91,6% trong việc ngăn ngừa bệnh COVID-19. Tạp chí y khoa cũng đưa vaccine này vào danh sách những ứng cử viên vaccine hàng đầu trên thế giới.
Sputnik V, vaccine được phát triển bởi Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga, cho đến nay đã được phê duyệt theo quy định ở 16 quốc gia và đang chờ WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp.
Các nhà sản xuất Sputnik V cho biết họ đã nhận được yêu cầu đặt hàng từ hơn 50 quốc gia, dự kiến tổng cộng 1,2 tỷ liều. Vaccine này có tác dụng với 2 liều lượng khác nhau và được khuyến cáo tiêm cách nhau 21 ngày.
Ông Mahmoud Sadeghi, một cựu thành viên của Quốc hội Iran, nhận định vaccine COVID-19 là một tấm gương phản chiếu chính trị Iran và cuộc sống tại nước này.
“Dù số nạn nhân COVID-19 chính thức hàng ngày tại Iran đang dao động ở mức ba con số, nhưng chúng tôi vẫn từ chối vaccine Pfizer đã được thử nghiệm vì đó là vaccine của Mỹ. Iran cũng đã tuyên bố sẽ sớm sản xuất vaccine trong nước của mình. Nhưng sau đó, chúng tôi lại đang chờ đợi vaccine chưa được kiểm chứng của Nga”, ông Mahmoud nói.
Chính trị gia này cũng đã đề cập đến lệnh cấm nhập khẩu vaccine do Mỹ và Anh phát triển của Lãnh tụ tối cao Iran Ali Hosseini Khamenei vào tháng trước.
Trong khi vaccine Sputnik V vẫn còn gây tranh cãi, các thử nghiệm trên người đối với COVIran Barekat, ứng cử viên vaccine hàng đầu của Iran, đã được triển khai vào cuối tháng 12/2020. Các nhà chức trách hy vọng họ có thể bắt đầu sử dụng loại vaccine này với số lượng lớn trong những tháng tới.
Hiện chưa có dữ liệu nào được công bố về hiệu quả của vaccine Iran vì nó vẫn chưa hoàn thành thử nghiệm trên người. Song các nhà chức trách cho biết COVIran Barekat có tác dụng chống lại biến thể virus SARS-CoV-2 được tìm thấy lần đầu tiên ở Anh và các tình nguyện viên chưa gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.
Hai ứng cử viên vaccine khác của Iran dự kiến cũng sẽ sớm bắt đầu được thử nghiệm trên người.
Iran là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 ở Trung Đông với 1,4 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và trên 58.000 ca tử vong.
Trong vài tháng qua, mạng xã hội Iran tràn ngập các cuộc tranh luận về vaccine. Nhiều hastag được đưa ra nhằm mục đích kêu gọi Chính phủ Iran mua vaccine an toàn và bày tỏ sự hoài nghi vaccine của Nga.
Đầu tuần này, truyền hình nhà nước Iran cho biết các xu hướng trên mạng xã hội có thể là "hoạt động tâm lý" của các phương tiện truyền thông nước ngoài nhằm gieo rắc sự hoài nghi với vaccine.