Còn nhiều “điểm nghẽn”
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương khẳng định: Vùng Đồng bằng Sông Hồng (có 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình; trong đó có 2 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội và Hải Phòng. Vùng có diện tích nhỏ nhất (21.253 km2, chiếm 6,4%) nhưng lại là vùng đông dân nhất cả nước (22,92 triệu người, chiếm 23,5% dân số cả nước).
Đồng bằng Sông Hồng là cầu nối giao thương, cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc. Vùng có hệ thống giao thông kết nối hội tụ đầy đủ tất cả loại hình giao thông đồng bộ tương đối hiện đại.
Năm 2020, giá trị tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) theo giá hiện hành tăng gấp 3,3 lần năm 2010. GRDP của vùng chiếm 29,4% của cả nước, tăng so với mức 24,4% năm 2010 và là vùng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong kinh tế cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 103 triệu đồng/người/năm, tương đương 4.458 USD. Tốc độ trưởng kinh tế của vùng Đồng bằng Sông Hồng giai đoạn 2011- 2020 đạt 8,02%/năm. Xuất khẩu tăng trưởng khá, tổng giá trị xuất khẩu trên toàn vùng đã tăng từ 50,2 tỷ USD (năm 2015) lên 100,78 tỷ USD (năm 2020), nhịp độ tăng bình quân 14,95%/năm.
Tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn còn nhiều “điểm nghẽn”, trong đó có sự phát triển chưa đồng đều, chưa bền vững trên các lĩnh vực và giữa các địa phương trong vùng...
Theo các đại biểu, sự kết nối giao thông giữa các hành lang kinh tế còn hạn chế; quy hoạch không gian biển vùng Đồng bằng sông Hồng còn chồng chéo, mâu thuẫn; hạ tầng logistics thiếu đồng bộ. Đặc biệt là liên kết vùng nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế. Các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở các dự án hạ tầng do Trung ương đầu tư. Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường và kết nối hạ tầng còn chưa được triển khai rộng khắp dù đã có nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết. Do vậy, liên kết vùng chưa phát huy hết vai trò và thế mạnh của từng địa phương.
Chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng tạo điều kiện cho thúc đẩy liên kết tại vùng Đồng bằng sông Hồng. Các địa phương mới tăng cường trao đổi, thảo luận chính sách, cung cấp thông tin cho nhau và đã có những kiến nghị chung gửi lên cấp Trung ương. Tính liên kết giữa các địa phương trong các hoạt động phát triển trên thực tế còn mờ nhạt...
Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, liên vùng
Tại hội thảo này, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương cho rằng, cần xây dựng, phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng một cách đồng bộ để tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện mạng lưới giao thông, vận tải; quy hoạch không gian biển; phát triển năng lượng, công nghiệp ven biển, dịch vụ logistics, nhất là phải khai thác, tận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, liên vùng.
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Do đó, thời gian tới, các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Hồng cần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từng bước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm phát huy tối đa lợi thế của vùng, an toàn giao thông, kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải, phát huy thế mạnh của từng phương thức, phát triển vận tải đa phương thức và logistics.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, để phát triển kinh tế vùng, liên vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối với với các tỉnh, thành phố trong vùng cần đánh giá lại các điều kiện, tiềm năng lợi thế của vùng làm cơ sở thực hiện quy hoạch tổng thể vùng; quy hoạch tỉnh, thành phố phù hợp vì nếu mỗi địa phương phát triển một hướng sẽ rất khó tạo ra liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bài tham luận gửi tới hội thảo, Bộ Công thương đề xuất, cần nâng cao chất lượng, tổ chức thực hiện quy hoạch, sớm hoàn thành các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 bám sát Quyết định số 492/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, bảo đảm cân đối vùng, địa phương và phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, phù hợp với thực tiễn, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, cần xác định rõ việc ưu tiên phát triển ngành logistics là một trong những cơ sở quan trọng, xu thế tất yếu để bảo đảm phát triển nhanh và bền vững.
Về phát triển kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cho rằng, trước những yêu cầu mới về thích ứng và phát triển, để đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 tại Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phát triển kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Hồng cần dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bao gồm quy hoạch không gian biển theo các vùng bảo vệ - bảo tồn, vùng đệm và vùng phát triển kinh tế - xã hội để phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa, tính đa dạng của hệ sinh thái, bảo đảm tính liên kết vùng, giữa địa phương có biển và không có biển.
Trên cơ sở phân tích, thảo luận, các đại biểu thống nhất đề nghị Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những chủ trương, định hướng phù hợp bối cảnh, tình hình và giai đoạn phát triển mới.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW Nguyễn Duy Hưng đánh giá, ý kiến phát biểu, tham luận tại hội thảo đã làm rõ nhiều vấn đề từ thực tiễn, đóng góp quan trọng trong việc tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, thời gian tới, các tỉnh, thành phố trong vùng cần đẩy mạnh liên kết trong vùng, liên vùng, nhất là liên kết toàn diện trên tất cả lĩnh vực, tập trung vào xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và kinh tế biển. Các tỉnh, thành phố trong vùng quy hoạch địa phương gắn với quy hoạch vùng; thực hiện hiệu quả các liên kết vùng trong các lĩnh vực: xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông; bảo vệ môi trường; khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế biển.
Các địa phương trong vùng cũng cần sớm hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, quan tâm, chú trọng phát triển kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư; linh hoạt trong thực hiện nghị quyết của Đảng để sớm đưa các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống.