Theo một nguồn tin giấu tên cho biết, quy định mới về việc hạn chế xuất khẩu các linh kiện sản xuất chip sang Trung Quốc có thể sẽ được Hà Lan ban hành ngay trong tháng tới, các cuộc đàm phán thương mại đang được triển và hiện chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.
Bộ Ngoại thương và Hợp tác phát triển Hà Lan và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ từ chối bình luận về thông tin trên.
Động thái này của Hà Lan được xem là một bước đi nhằm ủng hộ những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc kiềm chế tham vọng quân sự và sản xuất chip của Bắc Kinh. Đây cũng giống như một lệnh giới hạn không chính thức cho việc giao dịch công nghệ với phía Trung Quốc.
Hà Lan và Nhật Bản hiện là những nhà cung cấp thiết bị và phương pháp sản xuất chất bán dẫn tiên tiến hàng đầu trên thế giới, phía Mỹ đang rất muốn lôi kéo được hai nước này nhằm ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực này nói riêng.
Các quy định giới hạn xuất khẩu mới đang được Hà Lan xem xét có thể kiểm soát việc bán các linh kiện, thiết được sử dụng để sản xuất chip 14 nanomet và các loại chip tiên tiến hơn trong ngành công nghệ bán dẫn. Những quy định mới của Hà Lan phần nào cũng sẽ có điểm tương đồng với các lệnh hạn chế được Mỹ công bố hôm 7/10.
Các hạn chế mới có thể ảnh hưởng trực tiếp đến công ty ASML Holding NV của Hà Lan, một trong những đơn vị cung cấp linh kiện, thiết bị sản xuất chip quan trọng nhất thế giới. Theo báo cáo thường niên của công ty ASML, Trung Quốc là thị trường quan trọng, chiếm khoảng 15% doanh thu của công ty này trong năm 2021.
Quy định mới của chính phủ Hà Lan có thể sẽ giới hạn hoạt động xuất khẩu máy in khắc chìm của ASML sang Trung Quốc, thiết bị đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất chip 14 nanomet. Tuy nhiên, những tác động từ các quy định mới đến công ty công nghệ này hiện vẫn chưa được đánh giá toàn diện.
Cả Hà Lan và ASML đều chịu sức ép lớn từ các quy định từ phía Mỹ do công ty này cũng sử dụng một số thành phần, linh kiện do Mỹ sản xuất. Trong các tuyên bố kể từ tháng 10, các quan chức Mỹ đã liên tục nhấn mạnh rằng nếu các đồng minh không tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, họ có thể sẽ ban hành lệnh cấm các công ty nước ngoài bán các thiết bị có sử dụng công nghệ, linh kiện Mỹ dù là nhỏ nhất cho Trung Quốc.
Tuy nhiên, Hà Lan cũng có xu hướng ủng hộ Mỹ trong việc hạn chế quyền tiếp cận các công nghệ bán dẫn tiên tiến của Trung Quốc vì họ có chung mối quan ngại về an ninh quốc gia. Hồi cuối tháng 11, quan chức cấp cao Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Tarun Chhabra và Thứ trưởng Bộ Thương mại Alan Estevez đã tới Hà Lan và có cuộc thảo luận với giới chức nước này về vấn đề kiểm soát xuất khẩu công nghệ bán dẫn sang Trung Quốc. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tháng trước cho biết nước này đang phối hợp với Mỹ và Nhật Bản, cũng như Hàn Quốc trong lĩnh vực này.
Hôm 6/12, Thứ trưởng Estevez cho biết tại một sự kiện rằng các cuộc thảo luận của Mỹ với các đồng minh mặc dù vẫn đang được tiến hành nhưng đạt được những tín hiệu “vô cùng tích cực”. “Các quốc gia đồng minh của Mỹ đã chia sẻ những giá trị chung. Họ có nhận thức được những mối đe dọa giống như chúng ta thấy từ Trung Quốc”, ông Estevez cho biết.