Mỹ cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã hạn chế việc xuất khẩu những loại chip quan trọng nhất – những linh kiện bán dẫn có kích thước dưới 15 nanomet và có vai trò thiết yếu đối với ngành công nghệ Mỹ – cho các công ty Trung quốc có danh sách cụ thể, bao gồm tập đoàn Huawei Technologies. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã thuyết phục công ty ASML của Hà Lan dừng chuyển giao các máy móc, thiết bị cho phép các công ty Trung Quốc tự sản xuất chip.
Những động thái trên thể hiện một bước tiến leo thang căng thẳng trong cuộc chiến chip giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn bắt đầu từ cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump.
Mỹ hiện yêu cầu tất cả các công ty xuất khẩu, chuyển giao những loại chip quan trọng cho Trung Quốc phải xin giấy phép, ngay cả khi bên nhận không nằm trong danh sách bị hạn chế. Cũng theo quy định mới, công dân Mỹ hoặc người có thẻ xanh của Mỹ sẽ không được phép làm việc cho các công ty công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là các công ty sản xuất linh kiện chất bán dẫn, bởi cho rằng công việc đó sẽ giúp cải thiện khả năng quân sự của nước này.
Trung Quốc coi đây là một nỗ lực nhằm kìm hãm, hạn chế khả năng phát triển các lĩnh vực công nghệ cao của nước này, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học.
Nếu Mỹ thành công trong việc ngăn Trung Quốc sánh ngang với nước này ở đỉnh cao quyền lực kinh tế toàn cầu, đây sẽ mối đe dọa trực tiếp đến tiến trình hiện thực hóa Giấc mộng Trung Hoa của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhằm đưa quốc gia trở lại vị trí thống trị trên chính trường thế giới vào cuối những năm 2030 .
Cuộc chiến chip bán dẫn thậm chí có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh toàn diện giữa hai nước lớn hàng đầu trên thế giới, hoặc ít nhất là dẫn đến các cuộc khủng hoảng làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa hai cường quốc.
Đài Loan hiện đang cung cấp hơn 2/3 tổng số chip bán dẫn và 95% loại chip quan trọng cho Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu để Mỹ thuyết phục và ngừng chuyển giao chất bán dẫn sang Trung Quốc, căng thẳng giữa hai bờ eo biển Đài Loan sẽ ngày một gia tăng, tiềm ẩn những nguy cơ xung đột trực diện, ảnh hưởng trực tiếp đến sự hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Một kịch bản khác có thể xảy ra liên quan đến tác động từ các hạn chế mới của Mỹ đối với Trung Quốc. Nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có dấu hiệu đi ngang và sau đó giảm xuống, chính quyền Bắc Kinh có thể sẽ có thái độ cứng rắn hơn, buộc các nước láng giềng như Hàn Quốc và Nhật Bản nối lại hoạt động thương mại và chuyển giao công nghệ cho nước này.
Lịch sử cho thấy các quốc gia lớn mạnh về mặt quân sự nhưng lại lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế, như Đức sau năm 1900 hay Nhật Bản sau năm 1930, thường có xu hướng tham gia những chiến dịch quân sự và sau đó bị kéo vào những cuộc chiến tranh thảm khốc. Vậy làm thế nào để Mỹ và Trung Quốc tránh rơi vào một cuộc chiến tranh toàn diện trong bối cảnh hai nước đang cạnh tranh rất quyết liệt cho vị trí dẫn đầu, thống trị lĩnh vực công nghệ cao?
Mỹ, một cường quốc kinh tế, cần thận trọng để tránh sa đà vào việc tìm kiếm các biện pháp nhằm kìm hãm một quốc gia đang trỗi dậy như Trung Quốc. Mỹ không nên để giới chức Bắc Kinh hiểu lầm rằng rằng nước này muốn đẩy nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng suy thoái trầm trọng. Ông Tập có thể sẽ chấp nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn do những rào cản từ cuộc cạnh tranh chip bán dẫn, miễn là mức tăng trưởng vẫn duy trì theo hướng tích cực.
Những hạn chế trong xuất khẩu chip bán dẫn, mặc dù nghiêm trọng, nhưng sẽ không thể tác động tiêu cực lên tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đến mức tăng trưởng âm. Trên thực tế, Trung Quốc vẫn có thể tiếp cận các loại chip thế hệ cũ được sử dụng trong phần lớn các sản phẩm mà nước này sản xuất để xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước, như ô tô hay các thiết bị gia dụng.
Hiện nay, một số công ty công nghệ của Đài Loan và Hàn Quốc, như Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) hay Samsung Electronics, đã nhận được sự chấp thuận của Mỹ cho phép tiếp tục thực hiện việc xuất khẩu sang Trung Quốc và duy trì hoạt động các nhà máy sản xuất của họ đặt tại nước này.
Nhìn chung, Mỹ và Trung Quốc cần thúc đẩy hợp tác thông qua các hiệp định thương mại, kênh đối thoại song phương và các biện pháp ngoại giao trong bối cảnh tự do thương mại trên toàn thế giới đang phát triển mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực. Hai bên cần tăng cường trao đổi, thảo luận ở các vấn đề quan tâm chung, cũng như những bất đồng chưa được giải quyết, để tránh xuất hiện những hiểu lầm tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự, gây ảnh hưởng lớn đến thế giới nói chung và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói riêng.
Mỹ cần phải thể hiện quan điểm, lập trường rằng nước này không hề có ý định thiết lập lại hệ thống đồng minh hay sử dụng các biện pháp trừng phạt theo hình thức cũ giống như cách được sử dụng để chống lại Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Bối cảnh hiện nay hoàn toàn khác so với thời điểm lúc đó. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô là hai hệ thống hoàn toàn tách biệt nhau, nhưng giờ đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều phụ thuộc rất nhiều vào nhau trong một thế giới phát triển đi lên theo xu thế toàn cầu hóa. Vì vậy, với bất kì một đòn giáng nào nhằm vào nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, Mỹ cũng sẽ phải chịu những đả kích nhất định.
Tại thời điểm này, Trung Quốc có thể sẽ chấp nhận một số hạn chế đối với lĩnh vực công nghệ cao của nước này. Nhưng nếu sự ngờ vực, nghi kỵ ngày càng tăng lên dẫn đến sự tách rời giữa hai nền kinh tế của hai cường quốc, những tác động của nó sẽ là khôn lường không chỉ đối với nền kinh tế mà còn cả với nền hòa bình thế giới. Mỹ và Trung Quốc nên tự kiềm chế trong các hành động sắp tới. Đây là điều cần thiết để tránh leo thang căng thẳng trong mối quan hệ vốn đã lao dốc trong những năm gần đây của hai nước.