Cụ thể, các đơn vị phối hợp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh khu vực có nguy cơ cao, có ca bệnh, nhiều nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học; trên các nền tảng số, trang thông tin điện tử, mạng xã hội sẵn có của các đơn vị, địa phương.
Nội dung truyền thông tập trung vào nguyên nhân, đường lây, dấu hiệu và các biện pháp phòng tránh bệnh tay chân miệng ở trẻ em; trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện 3 sạch gồm: ăn, uống sạch (ăn chín, uống chín), ở sạch (thường xuyên lau sàn nhà, bề mặt và các vật dụng tiếp xúc hàng ngày) và bàn tay sạch (người lớn và trẻ em thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh).
Đối tượng tập trung tuyên truyền là người chăm sóc trực tiếp cho trẻ; cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, ngành Giáo dục… nhằm tạo sự ủng hộ trong việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Theo ông Trần Đắc Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, bệnh tay chân miệng ở trẻ em có các dấu hiệu đặc trưng như: sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa hoặc do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua các dịch tiết đường hô hấp hoặc hạt nước bọt. Đa số các ca bệnh tay chân miệng đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Do đó, bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh Hà Nam ghi nhận hơn 70 trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Các trường hợp tập trung chủ yếu tại huyện Bình Lục (31 trường hợp) và huyện Lý Nhân (24 trường hợp).