Theo đó, hộ gia đình hoặc cá nhân sử dụng đất nông nghiệp nếu đáp ứng điều kiện bồi thường về đất và bàn giao mặt bằng đúng hạn sẽ được thưởng 3.000 đồng/m2, không vượt quá 3 triệu đồng/người. Trường hợp thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất; trong đó, phải phá dỡ toàn bộ nhà ở, nhà xưởng, công trình sản xuất, kinh doanh, người sử dụng đất bàn giao mặt bằng sớm 16 ngày trước hạn được thưởng 5 triệu đồng; bàn giao sớm 15 ngày được thưởng 4 triệu đồng, thưởng đúng hạn 3 triệu đồng.
Đối với các tổ chức kinh tế có nhà xưởng hoặc nhà làm việc bị thu hồi, nếu bàn giao mặt bằng đúng tiến độ được thưởng 10.000 đồng/m2. Mức thưởng tối đa không quá 500 triệu đồng, tối thiểu 5 triệu đồng.
Cũng tại quy định mới của thành phố đã đưa ra mức bồi thường cụ thể với từng loại đất. Cụ thể, đất nông nghiệp, người dân được bồi thường tối đa 250 triệu đồng; trong đó đất trồng lúa nước 50.000 đồng/m2, đất trồng cây lâu năm 35.000 đồng, đất phi nông nghiệp, mức bồi thường tối đa 35.000 đồng/m2.
Trường hợp nhà và các công trình xây dựng gắn liền với đất khi bị thu hồi sẽ được bồi thường 60% theo giá trị hiện có. Những công trình không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn vị bồi thường cùng phòng quản lý đô thị thẩm định, lập hồ sơ thiết kế để tính toán mức bồi thường chính xác.
Đáng lưu ý, thành phố quy định rõ về các trường hợp gia đình phải di dời mồ mả, đơn giá bồi thường do UBND thành phố quy định. Nếu gia đình tự lo đất để di chuyển mồ mả, ngoài chi phí bồi thường di chuyển, sẽ nhận thêm hỗ trợ 10 triệu đồng/ một mộ. Những mộ vô chủ, đơn vị bồi thường sẽ ký hợp đồng với các tổ chức phục vụ lễ tang để di chuyển.
Theo quyết định này, người dân bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở trong phạm vi thành phố được bồi thường 10 triệu đồng/người; trường hợp di chuyển sang tỉnh, thành phố khác nhận hỗ trợ 15 triệu đồng/người.
Việc bồi thường về đất trên địa bàn Hà Nội thực hiện chủ yếu bằng tiền mặt. Trường hợp người dân bị thu hồi toàn bộ đất ở hoặc phần diện tích còn lại nhỏ hơn mức tối thiểu được phép tách thửa và không còn chỗ ở nào khác trong địa phương sẽ được giao đất ở, bán nhà tái định cư hoặc nhận bồi thường bằng tiền.
Theo đó, thành phố giao Sở Xây dựng Hà Nội ban hành quyết định về giá bán, thuê mua và cho thuê nhà tái định cư. UBND cấp huyện sẽ ra quyết định hỗ trợ với các dự án cụ thể như hỗ trợ diện tích thu hồi còn lại của thửa đất nông nghiệp, phi nông nghiệp hay hỗ trợ ổn định đời sống.
Luật Đất đai năm 2024 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 được coi là bước đột phá quan trọng trong quản lý và sử dụng đất đai nhằm khai thác tối đa tiềm năng và giá trị của nguồn lực đất đai; đánh dấu một bước tiến quan trọng bảo vệ quyền lợi của người sử dụng đất.
Với 260 điều khoản, Luật đã tạo ra một khung khổ pháp lý minh bạch, giúp người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung được thực hiện đầy đủ các quyền của mình một cách hợp pháp và an toàn. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo ý kiến của lãnh đạo một số địa phương, do Luật có nhiều điểm mới nên các địa phương đã chỉ đạo phòng chuyên môn lọc các nội dung và tách từng lĩnh vực để áp dụng triển khai kịp thời, đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân có nhu cầu giải quyết liên quan đến đất đai.
Cũng từ thực tế triển khai tại cơ sở với những khó khăn, vướng mắc, các cấp chính quyền đề nghị UBND thành phố Hà Nội sớm ban hành các quy định triển khai Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của UBND thành phố. Đồng thời, tạo điều kiện về cơ chế sắp xếp nhân lực, vật lực cho các đơn vị được nhận chuyển giao nhiệm vụ từ các đơn vị khác chuyển về để việc triển khai Luật sớm đi vào thực tế.
Hiện, thành phố Hà Nội cũng đang lấy ý kiến về Dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách với từng loại đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, việc chia tách thửa đất cần thực hiện sao cho bảo đảm sự phát triển bền vững của đô thị và nâng cao chất lượng đời sống dân sinh. Các quy định về chia tách thửa đất phải cân bằng giữa nhu cầu sử dụng đất của người dân và mục tiêu phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại. Điều này đòi hỏi việc phân lô, tách thửa đất không chỉ tuân thủ tiêu chí về diện tích và hạ tầng kỹ thuật, mà còn cần cân nhắc kỹ lưỡng về quy hoạch đô thị và không gian sống.
"Việc tách thửa đất về lâu dài cần tính đến các yếu tố phát triển bền vững, tránh phá vỡ quy hoạch chung hoặc gây ra sự mất cân đối trong hạ tầng kỹ thuật và xã hội; đồng thời, duy trì các giá trị văn hóa, lịch sử", đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhiều người dân mong muốn các cấp, ngành Hà Nội cùng với việc nghiên cứu, sớm đưa vào áp dụng các quy định liên quan đến đất đai, đặc biệt là điều kiện chia tách thửa và chuyển đổi đất trồng cây lâu năm hay đất vườn sang đất ở nhằm đáp ứng nhu cầu cho, tặng con cái hay chuyển nhượng của các hộ gia đình nông thôn.