Những chính sách chồng chéo, bất cập không chỉ làm khó người dân, mà còn gây cản trở trong việc thực hiện giao đất dịch vụ tại các địa phương. Để giải quyết dứt điểm tồn đọng, bảo đảm quyền lợi cho người dân và ổn định tình hình địa phương, các cấp có thẩm quyền cần sớm ban hành cơ chế đặc thù về giao đất dịch vụ.
Dân thiệt thòi, tài nguyên lãng phí
Nhiều người dân quận Hà Đông đang đối mặt với khó khăn lớn khi gần 20 năm chờ đợi đất dịch vụ, vẫn chưa được nhận, trong khi nhiều khu đất dịch vụ có hạ tầng bị bỏ hoang. Quyền lợi của người dân, từng được hứa hẹn sẽ ổn định đời sống sau khi bị thu hồi đất, đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Ông Ngô Doãn Lai (ở tổ 2 Cổ Bản, phường Đồng Mai, quận Hà Đông) chia sẻ, dù được xét duyệt 3 suất đất dịch vụ từ trước năm 2010, địa phương bố trí đủ quỹ đất, gia đình đã bốc thăm nhận vị trí, nhưng đến nay ông vẫn chưa nhận được đất.
Tại huyện Hoài Đức, hàng nghìn hộ dân cũng đang trong cảnh tương tự, khi đất nông nghiệp đã bị thu hồi từ lâu, nhưng đất dịch vụ vẫn chưa được giao.
Theo Trưởng thôn Dền (xã Di Trạch, huyện Hoài Đức) Nguyễn Thị Kim Anh, càng chậm giao đất dịch vụ thì hậu quả xã hội càng nặng nề. Tranh chấp, khiếu kiện gia tăng, niềm tin của người dân với chính quyền giảm sút, gây bất ổn trong cộng đồng dân cư. Không chỉ ở Hà Đông hay Hoài Đức, tình trạng chậm giao đất dịch vụ còn diễn ra ở nhiều nơi khác trên địa bàn thành phố, như các huyện: Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh…
Cụ thể, tổng số hộ dân đủ điều kiện nhận đất dịch vụ của thành phố là hơn 50.000 hộ, với diện tích gần 542ha, trong đó mới giao đất được cho hơn 40.000 hộ. Chưa kể, còn 12.000 hộ gia đình, với hơn 35ha đất có nhiều vướng mắc, đang được xin ý kiến để lên phương án xử lý. Sự chậm trễ này không chỉ gây khó khăn cho người dân, lãng phí tài nguyên, mà còn để lại nhiều hệ lụy cho xã hội.
Gỡ khó từ cơ chế
Một trong những nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ trong việc giao đất dịch vụ trên địa bàn thành phố là do sự phức tạp của các chính sách liên quan. Các văn bản pháp lý về đất dịch vụ đã có nhiều thay đổi, khiến cho việc thực thi trở nên rắc rối. Đặc biệt, trước khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (ngày 1-8-2008), mỗi địa phương lại có những quy định riêng.
Chẳng hạn, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành Quyết định số 1098/2007/QĐ-UBND, quy định các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp được giao đất dịch vụ tương đương với 10% diện tích đất bị thu hồi, tối đa không quá 150m² (riêng Hà Đông là 50m²). Còn theo Quyết định số 2502/2004/QĐ-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, các hộ bị thu hồi từ 40% diện tích đất nông nghiệp trở lên được giao đất làm dịch vụ.
Theo Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà, từ năm 2018 đến nay, việc giao đất dịch vụ cho các hộ dân trên địa bàn quận chậm, vì có tới hơn 30% số hộ (gần 10.000 trường hợp) thuộc diện phải rà soát, báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Do không thiếu quỹ đất, tỷ lệ xét duyệt đất dịch vụ của các hộ ở mức dưới 10%, nên quận Hà Đông đã kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách giao đất dịch vụ cho các hộ dân còn lại theo phương án đã được phê duyệt.
Còn theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai Nguyễn Đắc Lực, thời gian giải phóng mặt bằng nhiều dự án kéo dài, qua các thời điểm áp dụng chính sách khác nhau, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc thực thi chính sách, trong đó có đất dịch vụ. Do vậy, thực tế này cần được tháo gỡ triệt để trên tinh thần tạo cơ chế đặc thù cho mỗi địa phương, nhằm tạo điều kiện thực thi chính sách đất dịch vụ với người dân có đất bị thu hồi từ gần 20 năm trước.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc giao đất dịch vụ cho nhân dân, năm 2021, UBND thành phố đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, xin cơ chế đặc thù, giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn đọng. Năm 2024, UBND thành phố tiếp tục giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, tổng hợp những vướng mắc trong công tác giao đất dịch vụ, từ đó tham mưu và đề xuất phương án giải quyết phù hợp. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đã có nhiều văn bản đôn đốc các địa phương, với phương châm "việc nào gỡ được thì giao ngay", bảo đảm quyền lợi chính đáng của các hộ dân, tránh khiếu kiện đông người.
Thành phố Hà Nội cũng mong Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, trên tinh thần tôn trọng các thỏa thuận về đất dịch vụ mà chính quyền địa phương đã thống nhất với người dân trong quá trình giải phóng mặt bằng phát triển các dự án trước đó.