Hà Nội đang quyết tâm rất cao trong việc đẩy nhanh lộ trình xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số để phát triển các lĩnh vực, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp và quản lý xã hội.
Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh
Các hạ tầng thông tin quan trọng, có tính chất nền tảng cốt lõi nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố đến 3 cấp trực thuộc đảm bảo theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông, tích hợp với các hệ thống của Trung ương gồm: hệ thống quản lý văn bản và điều hành thành phố; Hệ thống thông tin báo cáo thành phố; hệ thống quản lý, theo dõi, đôn đốc nhiệm vụ của Chính phủ, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố đến các cấp, ngành trực thuộc.
Ngày 28/6/2024, Hà Nội tiếp tục đưa vào vận hành chính thức Hệ thống Thông tin phục vụ họp và xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh. Thành phố đang vận hành các ứng dụng, dịch vụ đã được triển khai, phục vụ người dân hiệu quả. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã được xây dựng và đưa vào vận hành tại 100% cơ quan Nhà nước của Hà Nội, với 1.877 thủ tục hành chính; đã cung cấp 1.389 thủ tục hành chính triển khai dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống đã được kết nối với 20 hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của bộ, ngành, quốc gia; cơ bản đáp ứng đầy đủ các chức năng, tính năng theo quy định, đặc biệt là các yêu cầu mới về xác thực định danh điện tử cho công dân và doanh nghiệp.
Thành phố cũng vừa cho ra mắt “Ứng dụng Công dân Thủ đô số” (iHaNoi) được triển khai với 4 nhóm chức năng chính, là nơi người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với các cấp chính quyền thành phố trên môi trường số nhanh chóng, kịp thời theo thời gian thực; tạo đột phá về chuyển đổi số, hướng tới thực hiện chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy công tác chuyển đổi số phát triển nhanh và bền vững.
Hà Nội hoàn thành triển khai kết nối hệ thống với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác minh, làm sạch dữ liệu người dân (đã xác minh được gần 5,4 triệu người dân tại Hà Nội); kết nối liên thông, cập nhật dữ liệu khám, chữa bệnh của 850 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập lên Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố theo định dạng quy định của Bộ Y tế.
Thành phố đã khởi tạo dữ liệu với gần 10,4 triệu người dân, hơn 18,6 triệu lượt khám, chữa bệnh; sẵn sàng hiển thị trên ứng dụng iHanoi với 2,5 triệu người dân có dữ liệu khám, chữa bệnh và 7,2 triệu người có dữ liệu tiêm chủng. Thành phố cũng cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID.
Giao diện ứng dụng iHanoi |
Theo thống kê, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 70.021 hồ sơ đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp; trong đó hồ sơ đăng ký qua ứng dụng VNeID gấp 2,39 lần so với hồ sơ đăng ký qua Cổng dịch vụ công.
Đối với lĩnh vực giao thông, để đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện, thành phố đã triển khai ứng dụng “Thẻ vé giao thông Hà Nội” sử dụng thẻ QR động (thẻ vé ảo) cho vận tải hành khách công cộng, áp dụng đối với thẻ vé tháng (đơn tuyến và liên tuyến) và thẻ miễn phí đi xe buýt. Thẻ vé ảo được thiết lập theo tài khoản định danh của khách hàng, hiển thị trên điện thoại di động, có hình ảnh và đầy đủ thông tin như thẻ chip vật lý. Sử dụng thẻ vé ảo giúp tiết kiệm chi phí phát hành, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại để nhận thẻ vé tháng của khách hàng.
Hiện nay, toàn thành phố đã có gần 5.000 tổ chuyển đổi số cộng đồng, với hơn 30.000 thành viên đóng vai trò chính trong việc phổ cập công nghệ số, kỹ năng số tới từng người dân. Với 97% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; 91,4% hộ gia đình phủ mạng Internet băng rộng cáp quang; trên 80% dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử, 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt đang phổ biến trong mọi hoạt động kinh tế, thương mại của Thủ đô.
Thành phố tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, tổ chức hàng trăm khóa đào tạo về chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ kinh phí cấp chữ ký số, hóa đơn điện tử, phí trả kết quả tại nhà với doanh nghiệp thành lập mới.
Đến nay, tại Hà Nội, 99,5% tổ chức, doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử; 100% hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thành công; 100% các doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn đã thực hiện lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng.
Ngoài ra, Hà Nội đã xây dựng cơ sở dữ liệu của hàng trăm 320 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử, hàng chục doanh nghiệp là sàn thương mại điện tử lưu trú; hàng chục nghìn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hàng trăm nghìn cá nhân bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada...; thu thập khoảng 110.000 tài khoản ngân hàng, định danh hơn 929.000 gian hàng... từ đó góp phần quản lý hiệu quả các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Thành phố Hà Nội xây dựng, hình thành 2 khu công nghệ thông tin tập trung gồm: Khu Công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy (đã hoạt động) và Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội (đang xây dựng). Doanh thu năm 2023 của các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy đạt gần 9.488 tỷ đồng (chiếm 3,9% tổng doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Thủ đô); giá trị xuất khẩu đạt 877 tỷ đồng.
Nhiều công trình vẫn đang tiếp tục xây dựng trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN |
Từ tháng 11/2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã tiếp nhận chuyển giao quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ Khoa học và Công nghệ. Khu công nghệ này hiện có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng. Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được một số trường đại học lớn (Đại học FPT, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, một hợp phần của Đại học Việt-Nhật, Đại học Văn Lang). Hiện, đã có khoảng 10.000 nhân lực công nghệ cao đang làm việc trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trong đó có hơn 5.000 nhân lực công nghệ thông tin (chiếm khoảng 50%).
Cùng với đó, Hà Nội cũng xác định vi mạch bán dẫn đang là lĩnh vực được ưu tiên ưu tiên thu hút nhà đầu tư, trong tháng 7/2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội và Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tổ chức Chương trình “Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn thành phố Hà Nội năm 2024,” với mục tiêu kết nối, xúc tiến đầu tư, giao thương, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội và hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn.
Tập trung thực hiện các giải pháp
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành và tổ chức triển khai đề án “Xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.”
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết thành phố đang chỉ đạo quyết tâm hoàn thành một số nhiệm vụ về hạ tầng phục vụ triển khai chính quyền số như triển khai Trung tâm dữ liệu chính; hình thành một số thành phần cơ bản của Trung tâm điều hành thông minh của thành phố Hà Nội; trong đó bao gồm các thành phần cơ bản về giao thông thông minh, du lịch thông minh, hệ thống tổng hợp, phân tích dữ liệu của thành phố, phục vụ kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu để phát triển chính quyền số; tiếp nhận và phản ánh kiến nghị phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ hoàn thành Hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) cho các hạ tầng thông tin của thành phố và kết nối, chia sẻ thông tin với Hệ thống đảm bảo an toàn thông tin của Chính phủ. Thành phố sẽ phát triển dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ chính quyền số, kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia và giữa các ngành nhằm giảm thành phần hồ sơ trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến của công dân, doanh nghiệp; đồng thời đẩy mạnh triển khai mở dữ liệu theo lộ trình, công khai minh bạch thông tin cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp khai thác.
Ủy ban Nhân dân thành phố tập trung triển khai phê duyệt cấp độ, phương án bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình “4 lớp” đối với các hạ tầng thông tin của cơ quan nhà nước thành phố theo quy định; đẩy mạnh phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số; trong đó tập trung thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Hà Nội cũng sẽ ban hành cơ chế đặc thù thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng các khu công nghệ thông tin tập trung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, thành phố tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn, khuyến khích người dân khai thác sử dụng các dịch vụ số, dịch vụ công trực tuyến, y tế số, giáo dục số, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử...; đồng thời, hướng dẫn các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin cơ bản trên không gian số, dần hình thành công dân số, văn hóa số.