Số ca mắc trong tuần tăng gấp đôi
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện đã xuất hiện thêm các chùm ca bệnh thủy đậu tại: Trường Mầm non Chu Minh (huyện Ba Vì, Hà Nội) có 12 ca mắc; Trường Mầm non Trung tâm xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) có 9 ca mắc; Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) có 20 ca mắc; Trường Mầm non Hạ Bằng (huyện Thạch Thất) có 12 ca mắc.
Trong tuần qua, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 166 ca mắc thủy đậu, tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận khoảng 800 ca mắc thủy đậu, tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2022 (chỉ có 11 ca); hiện chưa ghi nhận ca tử vong do thủy đậu.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cũng dự báo, bệnh thủy đậu có thể tiếp tục xu hướng gia tăng số ca mắc trong thời gian tới; nhất là trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho dịch lây lan như hiện nay.
Vì vậy, việc tiếp tục tăng cường phối hợp giữa ngành Y tế và Giáo dục trong công tác phòng, chống, xử lý các chùm ca bệnh thủy đậu trong trường học là rất cấp thiết. Các trường học, đơn vị cũng cần theo dõi sát tình hình sức khỏe học sinh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để kịp thời xử lý.
Theo đánh giá của các chuyên gia, năm nay dịch thủy đậu đến sớm hơn, không chỉ ghi nhận bệnh thủy đậu ở trẻ em, mà còn xuất hiện các ca mắc là người lớn, nhiều người diễn biến nặng.
Thông thường hàng năm, bệnh thủy đậu thường diễn ra vào thời điểm mùa Đông - Xuân, tuy nhiên, ngay từ thời điểm đầu năm nay, bệnh thủy đậu đã xuất hiện; đặc biệt xuất hiện các chùm ca bệnh là ở người lớn cũng là điều khác thường.
Tích cực thực hiện phòng bệnh
BS. Nguyễn Ngọc Trung, Khoa bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn nhận định, sau đợt COVID-19 vừa qua, các bệnh nhân mắc thủy đậu có diễn biến phức tạp hơn, số người mắc bệnh thủy đậu cũng tăng cao hơn trước. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện nhiều trường hợp bị tái mắc thủy đậu dù đây không phải là điều đặc biệt.
Đa số các trường hợp mắc bệnh thủy đậu đều nhẹ, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra biến chứng nặng và tử vong. Đặc biệt, hiện nay người dân vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên khi bệnh "vào mùa" nhiều người chủ quan, dẫn đến biến chứng khó kiểm soát nếu hệ miễn dịch suy yếu.
Theo các bác sĩ, bệnh thủy đậu là bệnh do virus Varicella-zoster gây ra, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ai cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh.
Đường lây truyền của bệnh là: Lây trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với nguồn bệnh như: Nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi, ho…; lây gián tiếp qua việc dùng chung đồ sinh hoạt hằng ngày với người bệnh.
Bệnh thường có triệu chứng xuất hiện từ 7 - 21 ngày sau khi nhiễm virus, bao gồm sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn…
Đặc biệt, bệnh thuỷ đậu có thể gây những biến chứng nặng nề nếu không biết cách chăm sóc, điều trị như: Viêm phổi, viêm não; đặc biệt, di chứng sau đó có thể kèm theo như: Điếc, động kinh, chậm phát triển tinh thần vận động… Với trẻ sơ sinh được sinh ra từ mẹ mắc thủy đậu khi mang thai có thể mắc phải các dị tật bẩm sinh. Bệnh thủy đậu ở người lớn đôi khi còn nặng nề hơn ở trẻ em.
Hiện bệnh thủy đậu vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu; việc điều trị bệnh thường tập trung vào việc làm giảm nhẹ các triệu chứng và giữ bệnh nhân không bị mất nước.
Bác sĩ khuyến cáo, hiện tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất, người dân cần đưa trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên tiêm vaccine phòng bệnh này.
Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện các biện pháp để tránh lây nhiễm bệnh như: Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, với những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày để tránh lây lan trong cộng đồng.
Người dân cũng cần chú ý thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, trường học.
Khi cha mẹ thấy trẻ có những biểu hiện như: Sốt, mẩn nốt, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang cũng là cách dễ thực hiện, hiệu quả trong phòng bệnh thủy đậu.