Một số nhà khoa học cho biết thực tế, trong những năm gần đây, nhiệt độ trung bình tại châu Âu, Bắc Cực, châu Á, Trung Đông, đa số khu vực của châu Phi, một số khu vực của Bắc Mỹ và Nam Mỹ đã vượt ngưỡng 1,5 độ C. Người dân tại các khu vực này đang hứng chịu các đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng, mưa lũ chưa từng thấy do nhiệt độ trung bình tăng cao. Ông Robert Rohde, người đứng đầu các dự án nghiên cứu khoa học tại Tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Berkeley Earth (Mỹ), cho biết nhiều người đang sinh sống tại những khu vực có nền nhiệt trung bình tăng cao hơn 1,5 độ C và nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do nhiệt độ mặt đất nóng nhanh hơn đại dương.
Nhiệt độ thay đổi tự nhiên mỗi ngày, nên con người khó có thể nhận ra mức nhiệt trung bình tăng 1,5 độ C cục bộ ở một số nơi trong một thời gian dài. Tuy nhiên, nhiệt độ khu vực tăng dần trên đất liền - vốn chỉ chiếm 30% bề mặt hành tinh, lại đang gây ra thời tiết ngày một cực đoan cho 8 tỷ dân trên Trái Đất.
Thế giới vừa ghi nhận tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ trung bình toàn cầu trong tháng này cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thậm chí, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng điều này báo trước một kỷ nguyên mới “nung nóng toàn cầu”.
Ông Francesco Tubiello, nhà thống kê cấp cao tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), cho biết kết quả tính toán của ông cho thấy tổng cộng gần 3 tỷ người tại các quốc gia hứng chịu nền nhiệt trung bình tăng cao hơn ngưỡng 1,5 độ C trong năm 2022. Ông lưu ý đây là con số ước tính ở mức vừa phải. Chuyên gia này đã so sánh số liệu của năm 2022 với nhiệt độ thấp hơn trong giai đoạn từ năm 1951-1980, vốn là cơ sở để FAO và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ (NASA) so sánh nhiệt độ toàn cầu thay đổi như thế nào theo thời gian. Trong giai đoạn đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 0,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trong báo cáo công bố năm 2018, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) ước tính 20-40% dân số thế giới đã trải qua ít nhất một mùa có nền nhiệt trung bình tăng hơn 1,5 độ C.
Tháng 5 vừa qua, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho rằng khả năng nhiệt độ bề mặt toàn cầu hằng năm tăng cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp ít nhất 1 năm trong giai đoạn từ năm 2023-2027 vào khoảng 66%. Hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino tại Thái Bình Dương tiếp tục khiến nhiệt độ tăng lên trong năm nay.
Phó Giám đốc tổ chức Copernicus chuyên theo dõi nhiệt độ toàn cầu, bà Samantha Burgess, cho rằng thế giới đã "tạm thời" vi phạm cam kết khống chế đà tăng nhiệt toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C và có thể bỏ lỡ mục tiêu này vào đầu những năm 2030.
Trong khi đó, ông Gavin Schmidt, Giám đốc Viện nghiên cứu không gian Goddard của NASA, cho biết việc vi phạm cam kết hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không quá 1,5 độ C cục bộ tại một số nơi không có nghĩa thế giới đã bỏ lỡ mục tiêu trọng tâm của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ông cho rằng ngay cả khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng vượt ngưỡng 1,5 độ C hoặc 2 độ C, các chính phủ vẫn có thể hạ mức nhiệt vào năm 2100, chẳng hạn bằng cách trồng nhiều cây xanh hấp thụ khí CO2 hoặc phát triển các công nghệ tiên tiến để khử carbon khỏi không khí.
Tất nhiên, để có thể giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và duy trì mục tiêu kiềm chế sự nóng lên của Trái Đất ở ngưỡng 1,5 độ C, theo IPCC, các chính phủ sẽ phải thực thi các nỗ lực chưa từng có. Theo kế hoạch, các quốc gia dự kiến nhóm họp tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai vào cuối tháng 11 tới, nhằm thực hiện điều này.