Hành trình đầy hiểm nguy của người gốc Việt nhập cư tới Anh

(Ngày Nay) - Cộng đồng người Việt tại Anh thường rỉ tai nhau về một tuyến đường VIP - một con đường bất hợp pháp để nhập cư vào Vương quốc Anh trên các chuyến bay bằng cách sử dụng hộ chiếu giả hoặc hộ chiếu ngoại giao.

Hành trình đầy hiểm nguy của người gốc Việt nhập cư tới Anh

Chi phí để nhập cảnh bất hợp pháp vào Anh thường dao động từ 10.000-40.000 USD. Tuy nhiên, đối với đa số những người không có đủ điều kiện để đi theo con đường VIP, phương án thay thế đó là phải lẩn trốn trong các thùng container sau xe tải và đối diện với những hiểm nguy trong hành trình vượt biển từ đại lục châu Âu để sang Anh và có thể gặp phải kết cục như bi kịch của 39 người được phát hiện vào tuần trước tại Essex.

Vào tháng 1 năm ngoái, cảnh sát Anh đã tìm thấy hai cô gái Việt Nam làm việc tại một quán làm móng ở thành phố Bath, phía tây nam nước Anh.

Hành trình đầy hiểm nguy của người gốc Việt nhập cư tới Anh ảnh 1

Nhiều phụ nữ Việt Nam làm việc trong các tiệm làm móng do mắc nợ chính chủ tiệm.

Cả hai đều phải làm việc 60 giờ/tuần, một cô gái chỉ được trả khoảng 30 bảng/tháng, trong khi người còn lại không được trả tiền và phải ngủ trên một chiếc nệm ở tầng gác mái của chủ quán làm móng. Họ đã bị buôn lậu vào Vương quốc Anh trên một chiếc xe tải.

Một cô gái cho biết mình rời khỏi Việt Nam đến Trung Quốc làm việc được khoảng một năm rưỡi. Sau đó, cô đi từ Trung Quốc đến Nga - được mệnh danh là trạm trung chuyển của những người muốn vượt biên sang các quốc gia Tây Âu. Tại điểm tập kết ở Nga, các đường dây vận chuyển người nhập cư sẽ tổ chức một chuyến đi hàng tháng. Hành trình của cô gái được chia thành các giai đoạn rất khác nhau và trong suốt hành trình, cô gặp không ít những người đồng hương của mình.

Trong hầu hết các trường hợp, những người nhập cư trái phép sẽ được giải thoát khỏi xe tải ngay sau khi vượt qua các cửa khẩu, họ hoàn toàn bị bỏ rơi và tự mình hòa nhập với một xã hội mới. 

Một trong những cô gái cho biết sau khi đặt chân lên Vương quốc Anh, cô đã phải tự mình tìm đường tới các khu vực đông dân cư. Tại Anh, mỗi trung tâm đô thị đều có một tiệm làm móng của người gốc Việt, cô gái đã tới đây xin việc làm, mặc cho điều kiện làm việc tồi tệ, thế nhưng cô không còn lựa chọn nào khác.

Hiện vẫn chưa rõ tại sao tung tích của hai cô gái vị thành niên gốc Việt này được các nhà chức trách Anh phát hiện, nhưng rõ ràng họ không phải là những nạn nhân duy nhất.

Số liệu do Bộ Nội vụ Anh công bố theo Đạo luật Tự do Thông tin tiết lộ trường hợp của 121 người Việt Nam được cho là nạn nhân của các đường dây buôn người vào năm ngoái.

Những người trưởng thành khi được phát hiện sẽ nhận được 14 ngày hỗ trợ bao gồm chỗ ở và sinh hoạt, được gặp các chuyên gia tư vấn, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần.

Số liệu thống kê chính xác về con số thực sự những di dân gốc Việt bị buôn bán rất khó nắm bắt, phần lớn là do bị giấu kín và không có giấy tờ.

Theo tổ chức từ thiện Salvation Army, trong giai đoạn từ tháng 7 năm 2018 đến tháng 7 năm 2019, họ đã trợ giúp cho 209 người Việt Nam, tăng 248% so với 5 năm trước.

Thế giới ngầm của ngành làm móng và trồng cần sa tại Anh

Hầu hết người dân lao động gốc Việt làm việc trong các trang trại trồng cần sa hoặc trong các tiệm làm móng đều hiểu rõ tình cảnh nợ nần của gia đình ở quê nhà do đó họ phải nai lưng ra lao động để trả nợ và không dám tìm kiếm sự giúp đỡ dù bị bóc lột.

Debbie Beadle từ tổ chức chống buôn người Ecpat và đồng tác giả của một nghiên cứu về nạn buôn người từ Việt Nam đến châu Âu được công bố đầu năm nay, cho biết: "Lực lượng cảnh sát và chính quyền địa phương tại Anh vẫn chưa được đào tạo hoặc trang bị để xác định những nạn nhân bị buôn bán này. Vì các nạn nhân không được xác định giấy tờ, nên rất ít trường hợp truy tố thành công các vụ buôn người".

Thường thì các nạn nhân quá sợ hãi khi hợp tác với cảnh sát và không được công nhận là nạn nhân của nạn buôn người và thay vào đó họ bị coi là tội phạm và bị trục xuất trở về Việt Nam.

Các nạn nhân rất sợ những kẻ buôn người, họ thường không muốn khai báo sự thật, ngay cả khi họ đã được bảo vệ, khiến cho các đường dây buôn người ngày càng trở nên khó bị vạch mặt. Stephen - một lao động gốc Việt không công khai danh tính thật, đã mô tả việc bị bán sang Anh để làm công nhân trồng cần sa khi anh mới 10 tuổi.

Hành trình đầy hiểm nguy của người gốc Việt nhập cư tới Anh ảnh 2

Một thanh niên gốc Việt bị bán sang Anh để làm việc trong một trang trại cần sa ở London.

Người này cho biết mình đã đến Anh trên một chiếc xe tải đông lạnh, sau một hành trình dài từ Hà Nội, nơi anh là một trẻ mồ côi vô gia cư. Ở Anh, Stephen bị nhốt trong một trang trại cần sa và bị buộc phải làm việc suốt 4 năm cho một băng đảng trồng cần sa gốc Việt.

"Tôi không thể nhìn ra ngoài cửa sổ, vì tất cả chúng đều được phủ bằng nhựa cách nhiệt dày. Nhiều tháng sau đó, tôi phân biệt được ngày hay đêm, không biết mình đang ở đâu. Cứ vài ngày, vào buổi tối, một nhóm người sẽ đến kiểm tra công việc, mang thức ăn cho tôi. Họ không ngần ngại đánh tôi nếu để một vài cây bị chết. Cuộc sống của tôi tồi tệ hơn nhiều so với khi tôi sống ở Việt Nam", Stephen nhớ lại.

Hành trình đầy hiểm nguy của người gốc Việt nhập cư tới Anh ảnh 3

Bên trong một trang trại trồng cần sa của băng đảng gốc Việt.

Một lần, một nhóm buôn bán ma túy người Anh đã phá cửa, trói anh lại và lấy trộm toàn bộ số cần sa. Khi băng đảng người Việt quay trở lại, họ đã chuyển Stephen sang một trang trại khác. Ở "ngôi nhà" mới, Stephen không còn bị nhốt, nhưng băng nhóm đe dọa rằng họ sẽ tìm thấy và giết bỏ nếu anh cố trốn thoát. Stephen không bao giờ dám chạy trốn vì anh không biết đi đâu.

Stephen sau đó được giải cứu khỏi cảnh nô lệ bởi cảnh sát địa phương. "Tôi chỉ sống từng ngày", anh nói. "Tôi không trông chờ gì vào tương lai, chẳng có ai tử tế xung quanh tôi".

Theo The Guardian
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Seoul chìm trong bụi mịn
Seoul chìm trong bụi mịn
(Ngày Nay) - Cảnh báo bụi mịn đã được ban bố ở hầu hết các khu vực thuộc tỉnh Gyeonggy và thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong sáng 29/3.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
Hai cựu tổng thống Mỹ ra mặt ủng hộ ông Biden
(Ngày Nay) - Chiến dịch vận động tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận được cú hích nhờ sự hỗ trợ của hai người tiền nhiệm là cựu Tổng thống Bill Clinton và Barack Obama.