VTVcab tính toán gì?
Liên quan đến việc bất ngờ thay đổi gói kênh mà không thông báo với người sử dụng, VTVCab đưa ra phương án xử lý là sẽ tư vấn, hướng dẫn và thuyết phục người dùng tiếp tục trải nghiệm các kênh truyền hình mới đến hết 30/4/2018.
VTVCab cũng cam kết, sau thời điểm ngày 30/4/2018, nếu người dùng có yêu cầu ngưng sử dụng dịch vụ, đơn vị này sẽ hoàn trả số tiền từ 1-2 tháng sử dụng trải nghiệm.
Ngoài ra, VTVCab cũng sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền người dùng đã trả trước sau khi trừ đi số tiền đã sử dụng đồng thời hoàn trả số tiền mua sắm các trang thiết bị (giá trị hoàn trả theo hóa đơn, chứng từ do người dùng cung cấp). VTVCab chỉ thu hồi lại các trang thiết bị mà đơn vị này đã cung cấp miễn phí cho người dùng.
Về phương án trên, chia sẻ với Đất Việt, PGS.TS Vũ Trí Dũng - Khoa Marketing, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết: "Điểm sai lớn nhất của VTVCab trong trường hợp này là trước khi thay đổi sản phẩm mà không thực hiện theo đúng hợp đồng ban đầu với khách hàng. Thế nên, đơn vị này phải xin lỗi người sử dụng một cách công khai.
Tuy nhiên, ở đây, cách xử lý của họ là không đưa sản phẩm quay về như cũ. Họ tự thay đổi theo ý muốn của doanh nghiệp và cũng không quan tâm nhu cầu của người sử dụng ra sao.
Tất nhiên, có thể họ đã tính toán. Một số người sử dụng khó tính thì họ sẽ chuyển đổi gói sử dụng, nhưng có một số người lười thay đổi thì họ tặc lưỡi chấp nhận. Đây chính là hình thức dùng thử bắt buộc.
Có lẽ chính VTVCab biết đặc thù chỉ có một số người học vấn cao quan tâm đến các kênh nước ngoài, còn người dân bình thường chỉ xem giải trí lại không quan tâm lắm, nên họ đã tính toán số người rời bỏ ít hơn lượng người sử dụng lười thay đổi, trung thành.
Trong trường hợp đó, làm việc này, VTVCab đạt được mục đích tạo scandal để mọi người biết đến VTVCab nhiều hơn nhưng vẫn giữ được khách hàng. Đây cũng là cách xử lý khủng hoảng truyền thông một cách khéo léo, cũng là cách xử lý duy nhất tốt đẹp thời điểm khi việc đã rồi".
Cũng theo ông Dũng, người tiêu dùng Việt Nam thường bị đánh giá là kiến thức chưa cao, hay bị động, ý kiến không được trân trọng, dù có ảnh hưởng quyền lợi nhưng cũng không có phản ánh gì, chấp nhận.
"Đánh vào điểm này, VTVCab đã dùng chiêu dẫn dắt thị trường", ông Dũng nhấn mạnh.
Người sử dụng ít sự quan tâm
Trong một diễn biến liên quan, Đất Việt cũng đi khảo sát ý kiến một số người tiêu dùng đang sử dụng VTVcab, anh Nguyễn Thành Sơn (35 tuổi, Hà Nội) cho biết: "Gia đình tôi đã sử dụng dịch vụ của VTVCab được hơn 4 năm nay, đóng tiền gói cả năm, cứ tầm tháng 4 hàng năm là nhân viên sẽ đến thu tiền dịch vụ.
Thực tế cả hai vợ chồng tôi đều đi làm cả ngày, ở nhà chỉ có giúp việc với hai em bé, nên chủ yếu dùng một số kênh hoạt hình, tôi cũng ít để ý đến các kênh quốc tế.
Tôi chỉ tiếc mấy kênh phim hành động Mỹ, mấy kênh phim mới không có nhiều phim hay, nhưng các kênh bóng đá thì cũng ổn vì tôi dùng thêm 4 kênh của K+.
Căn bản tôi cũng bận nên cũng không để ý nhiều đến chuyện cắt đi bao kênh, thêm bao kênh, chỉ để ý vài kênh hay xem".
Trong khi đó, về hướng xử lý của VTVCab, chị Nguyễn Thủy (38 tuổi, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho rằng đây cũng là phương án tốt. Gia đình chị cũng không có ý định thay đổi gói dịch vụ vì cũng chủ yếu cho trẻ con xem hoạt hình, còn vợ chồng chị đi làm cả ngày ít khi dùng đến tivi, có thì chỉ vài kênh cơ bản.
Chị Nguyễn Hoa (29 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) lại đánh giá: "Ngay từ đầu khi cắt đi mấy kênh phim hành động Mỹ tôi rất bức xúc vì vừa mấy hôm trước nộp tiền cả năm xong, cũng không nhận được thông báo khi nhân viên đến thu phí dịch vụ.
Giờ mà trả lại phí thử nghiệm vậy thì trả bao nhiêu tháng, nộp tiền cả năm, sử dụng cả 3-4 tháng rồi, nếu trả 1-2 tháng mà vẫn chưa đến trường hợp của mình được xử lý thì sẽ tính ra sao?".
Theo Đất Việt