Hiến kế để Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Tiếp theo sự kiện Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) vào năm 2019, Đà Lạt và 8 thành phố khác đã tham gia đề án “Phát triển mạng lưới của các thành phố sáng tạo nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện. Nhiều tổ chức và cá nhân đã tham gia hiến kế, góp sức đưa thành phố Đà Lạt gia nhập UCCN trong năm 2023.
Hiến kế để Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO

Tại thành phố Đà Lạt, Hội thảo chuyên đề “Cơ hội hợp tác và gắn kết thành phố Đà Lạt - ứng viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc” vừa được nhóm “Phố Bên Đồi”- một nhóm trí thức trẻ người Đà Lạt tổ chức. Sự kiện có sự tham gia của đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, lãnh đạo UBND thành phố Đà Lạt, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, giảng viên âm nhạc của các trường đại học và những cư dân đang hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo. Đáng chú ý, ngoài việc đóng góp ý kiến, những người tham gia còn thể hiện mình có thể làm gì để đóng góp, hỗ trợ thành phố trong sự kiện này.

Theo bà Phạm Thị Thanh Hường, Trưởng Ban văn hóa Văn phòng UNESCO Hà Nội, từ sự kiện thành phố Hà Nội gia nhập các thành phố sáng tạo của UNESCO vào năm 2019 sẽ truyền cảm hứng cho Đà Lạt xây dựng thành phố đủ điều kiện gia nhập các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc.

Tại cuộc hội thảo, nhiều chuyên gia, giảng viên, văn nghệ sĩ, cư dân địa phương, du khách đã có những ý kiến thiết thực để xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo âm nhạc, điểm đến của du khách trong nước và quốc tế. Anh Nguyễn Hoài Anh, nhạc sĩ, giảng viên Trường Đại học Văn Lang (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết đã sinh sống tại Đà Lạt 3 năm qua, nhưng chưa thấy một sân chơi lớn để gắn kết các văn nghệ sĩ với nhau. Bởi vậy, anh đang thực hiện một dự án của cá nhân nhằm tạo sân chơi cho những người sáng tác và biểu diễn âm nhạc tại thành phố này.

Chị Minh Trâm đến từ một đơn vị tổ chức sự kiện cho rằng, cần có các không gian biểu diễn âm nhạc độc đáo để thu hút du khách. Cụ thể như tổ chức các sự kiện âm nhạc tại những khu biệt thự cổ ngoài trời, kết hợp sàn trình diễn thời trang như chủ đề áo măng tô vốn là hình ảnh thời trang của người Đà Lạt...

Trong khi đó, ông Mai Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm đến yếu tố nền tảng, bởi thành phố Đà Lạt chưa có trường dạy nghệ thuật chuyên nghiệp để đào tạo những người sáng tác, biểu diễn âm nhạc bài bản. Chính quyền tỉnh Lâm Đồng cũng như thành phố Đà Lạt cần có chính sách xây dựng nguồn lực âm nhạc của địa phương, kể cả kết hợp giữa công và tư…

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, viết tắt là UCCN (UNESCO Creative Cities Network) được khởi xướng vào năm 2004 với mục tiêu thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố lấy sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững; tập trung vào nhiều lĩnh vực sáng tạo đa dạng. Các thành phố thuộc UCCN cùng cam kết đóng góp vào tầm nhìn chung của mạng lưới thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm, phát triển quan hệ đối tác, tôn trọng sự đa dạng và đảm bảo sự tích hợp của văn hóa, sáng tạo vào mọi mặt của đời sống xã hội. Tính đến năm 2023, đã có 301 thành phố trên thế giới gia nhập mạng lưới này, trong đó có 61 thành phố đăng ký lĩnh vực âm nhạc.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Trần Thị Vũ Loan cho biết, ngày 30/6/2023, UBND thành phố đã gửi hồ sơ đến Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đề nghị xét duyệt Đà Lạt tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO trong năm 2023. Lãnh đạo thành phố mong muốn nhận được sự ủng hộ của Tổ chức; đồng thời, cam kết sẽ tham gia tích cực, nỗ lực đóng góp vào mục tiêu chung của Mạng lưới và chương trình nghị sự phát triển bền vững của UNESCO.

Nếu được công nhận với tư cách là thành phố âm nhạc của UNESCO, Đà Lạt sẽ có cơ hội phát triển, kết nối và hợp tác với cộng đồng âm nhạc trong nước và quốc tế, từ đó sẽ giúp nâng tầm cộng đồng âm nhạc địa phương. Kèm theo đó là rất nhiều những lợi thế khác như: Tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư; tăng cường các chính sách, chiến lược và các hoạt động đa dạng hóa nền kinh tế; thu hút các chuyên gia sáng tạo lành nghề; tạo được một thương hiệu thành phố độc đáo để thúc đẩy du lịch và mở rộng phạm vi tiếp cận của Đà Lạt với các mạng lưới và thị trường quốc tế…

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).