Ngày 20/11, Chính phủ Mỹ đã yêu cầu một thẩm phán ra lệnh cho Google bán trình duyệt Chrome-một trong những trình duyệt Internet phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.
Đây là một trong những bước đi nhằm chống độc quyền đối với “ông lớn” công nghệ.
Trong hồ sơ đệ trình lên tòa án, Bộ Tư pháp Mỹ kêu gọi cải tổ hoạt động kinh doanh của Google, trong đó có việc cấm các thỏa thuận cho phép Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại thông minh và ngăn chặn việc khai thác hệ điều hành di động Android.
Giới chức Mỹ phụ trách vấn đề chống độc quyền cho rằng thậm chí cần yêu cầu Google bán hệ điều hành Android nếu các biện pháp khắc phục không ngăn cản công ty công nghệ này sử dụng quyền kiểm soát hệ điều hành di động để mang lại lợi thế cho mình.
Đề xuất “xé nhỏ” Google đánh dấu sự thay đổi sâu sắc của các cơ quan quản lý Mỹ, sau một thời gian để các công ty công nghệ tự do kể từ khi không đưa ra quyết định giải thể Microsoft cách đây hai 2 thập kỷ.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Google, ông Kent Walker cho rằng: "Cách tiếp cận của bộ sẽ dẫn đến sự can thiệp chưa từng có của chính phủ, gây hại cho người tiêu dùng, nhà phát triển và doanh nghiệp nhỏ của Mỹ, đồng thời gây nguy hiểm cho vị thế lãnh đạo kinh tế và công nghệ toàn cầu của Mỹ."
Ông Walker cho biết Google sẽ đưa ra các khuyến nghị của mình trong một hồ sơ, dự kiến đệ trình vào tháng 12 tới và sẽ tranh luận tại phiên điều trần vào tháng 4/2025 trước Thẩm phán Tòa án cấp quận Amit Mehta.
Bất kể quyết định cuối cùng của Thẩm phán Mehta là gì, Google dự kiến sẽ kháng cáo phán quyết, kéo dài vụ việc trong nhiều năm, có thể khiến Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra phán quyết cuối cùng. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định vụ kiện cũng có thể bị đảo lộn khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.
Trước đó, ông Trump từng chia sẻ rằng việc buộc phải chia tách Google sẽ là một yêu cầu quá lớn của Chính phủ Mỹ.
Trong phiên tòa chống độc quyền vào tháng 8 vừa qua, Thẩm phán Mehta đã phán quyết Google là công ty độc quyền. Tòa đã xem xét kỹ lưỡng các thỏa thuận bí mật của Google với các nhà sản xuất điện thoại thông minh, trong đó có Apple.
Các thỏa thuận này liên quan đến các khoản thanh toán đáng kể để bảo vệ công cụ tìm kiếm của Google làm tùy chọn mặc định trên trình duyệt, iPhone và các thiết bị khác.
Thẩm phán xác định rằng thỏa thuận này cung cấp cho Google quyền truy cập độc quyền vào dữ liệu người dùng, cho phép công ty phát triển công cụ tìm kiếm của mình thành một nền tảng thống trị toàn cầu.
Từ đó, Google đã mở rộng đế chế công nghệ và thu thập dữ liệu của mình, đưa vào cả trình duyệt Chrome, ứng dụng Bản đồ và hệ điều hành điện thoại thông minh Android.
Chính phủ Mỹ hiện có 5 vụ kiện đang chờ xử lý chống lại các công ty công nghệ lớn liên quan đến luật chống độc quyền, sau khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden có lập trường cứng rắn trong việc kiểm soát sự thống trị của các công ty lớn.