Ngày 19/11, hơn 400 đại biểu đã tham dự chuỗi sự kiện truyền thông tại “Bữa sáng Ruy băng trắng” và “Diễn đàn Cha và con trai” tại Huyện Nhà Bè và Huyện Cần Giờ nhằm thảo luận và nâng cao nhận thức về vai trò của nam giới và cộng đồng trong việc phòng ngừa, ứng phó bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Chương trình do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Liên Hiệp phụ nữ Thành phố, Ủy ban nhân dân Huyện Nhà Bè, Ủy ban nhân dân Huyện Cần Giờ, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam tổ chức nhằm hưởng ứng “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” (15/11-15/12), Ngày Quốc tế Nam giới (19/11) và “Chiến dịch toàn cầu 16 Ngày Hành động Đoàn kết Chấm dứt Bạo lực đối với Phụ nữ và Trẻ em gái” (25/11-10/12) và hướng đến kỷ niệm 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, một văn kiện quốc tế về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ được thông qua tại Hội nghị phụ nữ thế giới năm 1995.
Tại sự kiện, thông qua các các trò chơi kết nối, nam giới, các cặp cha và con trai đã cùng nhau tìm hiểu các hình thức khác nhau của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (bao gồm: bạo lực thể chất; bạo lực tinh thần; bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế). Nam giới tham gia sự kiện cùng các cặp cha và con trai cũng chia sẻ về các không gian có thể xảy ra bạo lực như tại gia đình, trong trường học, nơi công cộng, nơi làm việc, không gian trên mạng và các không gian khác. Đồng thời cùng lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với bạo lực giới từ đại diện của các bên liên quan.
Phát biểu tại sự kiện, bà Lê Thị Lan Phương - Quản lý chương trình Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái của UN Women Việt Nam chia sẻ: “Bằng cách thúc đẩy sự thấu hiểu và trách nhiệm, chúng ta xây dựng những cộng đồng nơi tôn trọng và an toàn được đặt lên hàng đầu. Mỗi cá nhân đều có quyền được sống cuộc sống không có bạo lực”.
Trên thế giới, cứ 3 phụ nữ thì có 1 người đã từng bị bảo lực thể xác và tình dục gây ra bởi người thân. Ước tính có khoảng 10 triệu trẻ em là nạn nhân của xâm hại tình dục. Tại Việt Nam, bạo lực với phụ nữ và trẻ em đã và đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội. 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực. Trong đó có 39% trẻ em bị bạo lực tinh thần, bị xâm hại thể chất (47%), xâm hại tình dục (20%) và bị bỏ bê (29%). Gần 63% phụ nữ ở Việt Nam trong đời đã từng chịu một hoặc nhiều hơn các hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tình cảm và kinh tế cũng như hành vi kiểm soát do chồng hoặc bạn tình gây ra trong cuộc đời.
Mô hình Một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực xâm hại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đặt tại Bệnh viện Hùng Vương (đầu vào Mô hình) và Đầu ra (tạm lánh) đặt tại Trung tâm Công tác xã hội – Giáo dục dạy nghề Thiếu niên Thành phố (địa chỉ số 14 Nguyễn Văn bảo, phường 4, Quận Gò Vấp), sau hơn một năm vận hành thí điểm đã hỗ trợ cho 133 trường hợp bị bạo lực, xâm hại (trong đó, nạn nhân tập trung vào nhóm độ tuổi từ 11 đến 16 tuổi 95 trường hợp; 17 tuổi là 33 trường hợp). Các dịch vụ cung cấp cho người bị bạo lực, xâm hại (02 trường hợp tạm lánh; 08 trường hợp điều trị khám, 80 trường hợp sanh thường, 28 trường hợp mổ lấy thai, 07 trường hợp phá thai, 06 trường hợp dưỡng thai và 02 trường hợp triệt sản). Thủ phạm phân theo nhóm tuổi (01 người dưới 16 tuổi; 20 người từ 16 – 18 tuổi; 40 người trên 18 tuổi; 72 người không xác định).