Chuyến thăm nhà ông Vinaythong Souphanouvong, một trong những người con trai của cố Chủ tịch Souphanouvong, diễn ra vào một ngày tháng 5 đầy nắng. Tiếp các phóng viên TTXVN trong căn nhà ống được xây dựng đúng kiểu Việt ở một trong những con phố nhỏ tại trung tâm thủ đô Viêng Chăn, ông Vinaythong vui vẻ chỉ vào một bức ảnh Hoàng thân Souphanouvong chụp chung với Chủ tịch Hồ Chí Minh được gia đình treo ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách. Theo ông Vinaythong, bức ảnh lịch sử này được chụp vào năm 1949 tại chiến khu Việt Bắc khi Hoàng thân Souphanouvong từ Thái Lan trở về theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bức ảnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Souphanouvong trong trang phục vô cùng giản dị, cùng ngồi trên một thân cây đổ để bàn chuyện chính sự liên quan đến nhiệm vụ của cách mạng Lào, việc xây dựng mối liên minh, đoàn kết trong cuộc chiến đấu chung của hai nước, để cùng hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Đông Dương…
Ông Vinaythong cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Souphanouvong có khá nhiều bức ảnh chụp chung nhưng ông thích bức ảnh này nhất, là bởi cha ông dù là Hoàng thân, nhưng khi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cách mạng, người lập tức bỏ lối sống của Hoàng tộc, học theo cách ăn mặc dung dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông Vinaythong, đó là sự chân chất, chân thật, là sự đồng thuận đến từ trong tim của hai con người đến từ hai dân tộc khác nhau.
Đề cập tới quan hệ giữa gia đình ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vinaythong cho biết ông gặp Hồ Chủ tịch lần đầu tiên vào những năm 1950 sau khi cùng mẹ và các anh em từ Thái Lan về Việt Bắc (Hoàng thân đã về trước đó). Ngay từ lần đầu tiên gặp Bác, ông đã cảm thấy yêu mến bởi dung dị, hòa đồng cũng như sự quan tâm mà Bác dành cho ông và gia đình.
Theo ông Vinaythong, gia đình ông luôn coi Bác Hồ là người trong gia đình, khi ở Việt Bắc cũng như sau này mỗi khi có dịp thăm Việt Nam, ông và gia đình thường xuyên được Bác mời ăn cơm, cùng ăn những món như nhau chứ không có chút gì khách sáo.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Vinaythong cho biết ông rất tự hào và hạnh phúc vì gia đình ông có tới 4 anh em được Bác Hồ đặt tên, những cái tên rất cách mạng là Quang, Minh, Chính, Đại. Bản thân ông được Bác Hồ đặt là Nguyễn Văn Chính.
Chia sẻ về ấn tượng lớn nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vinaythong cho biết đó là “sự giản dị, sự chân thành và thẳng thắn”. Theo ông, Bác Hồ là “một người nhân hậu, thấu hiểu và chấp nhận được sự khác biệt của người khác, kể cả khác biệt về tư duy", và "cái tài, cái hay" của Bác chính là tập hợp và thuyết phục được những con người khác biệt ấy.
Ông Vinaythong còn nhớ lần cuối được gặp Bác Hồ là tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô, Hà Nội vào năm 1969. Gặp ông ở bệnh viện khi ông vừa cắt amiđan và vẫn chưa nói được, Bác Hồ đã hỏi thăm sức khỏe, động viên, và cả đùa với ông. Ông không ngờ chỉ sau đó một thời gian thì Bác mất, khi đó ông đang ở Khu căn cứ địa Viengxay, ở tỉnh Huaphanh cùng gia đình.
Nhắc lại kỷ niệm buồn không bao giờ quên này, ông Vinaythong cho biết mặc dù trước đó đã được bố ông thông báo rằng sức khỏe của Bác rất yếu, nhưng khi nghe tin Người qua đời vào tháng 9/1969, cả gia đình ông vẫn cảm thấy sốc, hụt hẫng và mất mát, cái mất mát khi mất đi một người thân trong gia đình.
Theo ông Vinaythong, sau khi Bác mất, dù lúc đó còn chiến tranh và vẫn ở trong hang, nhưng bố mẹ ông đã lập ngay bàn thờ Bác. Đến nay, hàng chục năm đã trôi qua, những hình ảnh và ký ức về Bác Hồ trong ông cũng như gia đình ông vẫn không hề phai nhạt.
Đối với nghệ sĩ Duangmixay Lykaya, người giờ đã ở tuổi gần 80, ông mãi không thể quên ấn tượng về sự giản dị, về nhân cách của Hồ Chủ tịch cũng như những lời dặn của Người khi đến thăm ngôi trường ông và các học sinh Lào theo học ở một tỉnh ở miền Bắc Việt Nam vào những năm đầu của thập niên 1960.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Duangmixay cho biết khi đó ông đang học trung học và được nhà trường thông báo Bác Hồ sẽ đến thăm các học sinh Lào đang học ở trường. Ông còn nhớ mãi, khi đó nhà trường trang hoàng phía trước cổng và học sinh đứng xếp hàng chờ Người đi vào từ cổng chính. Nhưng Bác Hồ “không biết bằng cách nào” lại đi vào thăm căn bếp ở phía sau trường trước tiên. Cũng trong lần thăm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn các học sinh Lào phải cố gắng học tập để sau này trở thành những cán bộ giúp giải phóng đất nước Lào.
Theo nghệ sĩ Duangmixay, những hành động giản dị và những lời thăm hỏi, căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần Người đến thăm trường đã in đậm trong tâm trí ông, khiến ông càng thêm kính trọng Hồ Chủ tịch và thêm quyết tâm học thật tốt để sau này phục vụ đất nước. Đây cũng là một trong những điều thôi thúc ông dành rất nhiều thời gian để sáng tác các ca khúc ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh và mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Lào - Việt Nam anh em. Đến nay, ông đã có gần 10 ca khúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh và về quan hệ hữu nghị Lào-Việt Nam, trong đó có những tác phẩm như “Hồng Hà-Cửu Long” và “Hồ Chí Minh, Mặt Trời chiếu sáng muôn đời”. Đặc biệt, để phổ nhạc được cho 4 câu thơ “Thương nhau mấy núi cũng trèo. Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua. Việt-Lào hai nước chúng ta. Tình sâu hơn nước Hồng Hà-Cửu Long” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông đã phải dành tới 44 năm để tìm ra giai điệu phù hợp và viết nên ca khúc “Hồng Hà – Cửu Long”.
Đến nay, đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nghệ sĩ Duangmixay vẫn nhắc đi nhắc lại rằng: “Thật có lỗi nếu không tiếp tục sáng tác về Bác Hồ, về quan hệ đặc biệt hai nước Lào-Việt Nam” và rằng “khi nào còn sức tôi còn viết!” Bởi với ông, đây không chỉ là đam mê, là tình yêu trách nhiệm mà còn là nghĩa vụ của thế hệ đi trước nhằm truyền cảm hứng cho thế hệ đi sau.