Đến hẹn lại lên, từ ngày 12 tháng giêng âm lịch hằng năm, hàng ngàn du khách thập phương đổ về thị trấn Lim trẩy hội. Không khí Hội Lim những ngày này vì thế mà vô cùng náo nhiệt.
Du khách về trẩy Hội Lim ước tính lên đến hàng nghìn người. (Ảnh: Hương Cúc)
Tham quan Hội Lim, du khách được nghe các liền anh, liền chị hát trao duyên trên thuyền, trong đình hay các lán trại trên đồi Lim. Nhưng không phải ai cũng biết đến chương trình hát canh tại gia dù đã được Ban tổ chức nhắc tới nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Liền anh hát đối đáp liền chị tại nhà nghệ nhân Hai Chiến. (Ảnh: facebook Đặng Thái Huyền)
Hát canh thường được tổ chức vào mùa xuân, là hình thức giao lưu quan họ gữa các làng với nhau. Họ mời nhau đến nhà ca một khúc, ăn một miếng trầu để chúc phúc nhau, thêm gắn kết nghĩa tình bầu bạn.
Một canh hát được giữ đúng các lề lối như quan họ đã định ra và kéo dài từ 7, 8 giờ tối đến 2, 3 giờ sáng. Trình tự một canh hát đúng lề lối có thể chia thành ba chặng: chặng đầu tiên hát những bài “lề lối” giọng cổ, đặc trưng cho lối hát quan họ truyền thống; chặng thứ hai hát những bài giọng vặt thể hiện nổi nhớ mong, thương cảm về cuộc đời con người; chặng cuối hát những câu giã bạn để xin phép chủ nhà ra về và quan họ chủ hát đối bằng những lời ca giữ khách.
Màn đối đáp tưởng rằng đơn giản nhưng kéo dài có khi đến tận 4 giờ sáng. (Ảnh: Hương Cúc)
Liền anh, liền chị trong buổi hát canh thường đối đáp nhau bằng những làn điệu quan họ. Bên anh hát xong thì bên chị đối lại, cứ như vậy đến khi bên nào không đối được, hoặc đối sai luật thì sẽ thua và kết thúc canh hát.
Nếu hát quan họ tại Đình hoặc các lán trại thường có sự hỗ trợ của nhạc cụ thì hát canh tại gia hoàn toàn là hát mộc. Chỉ có hệ thống loa đài nhằm hỗ trợ việc thưởng thức quan họ cho những du khách ở phía xa các liền anh, liền chị. Do đó, không khí của buổi hát canh sẽ dung dị hơn, nhẹ nhàng hơn.
Theo tinh thần quan họ, hát canh tại gia ở Hội Lim có sự góp mặt của đại diện 49 làng quan họ, thậm chí có cả đại diện quan họ tỉnh Bạc Liêu nhiều năm rồi vẫn “đến hẹn lại lên”. Đại diện ban tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Tiên Du, Phó ban chỉ đạo Văn Hóa Hội Lim cho biết: năm nay hát canh quan họ tổ chức tại 10 hộ gia đình. Cấp trên chỉ đạo khuyến khích hơn nữa các gia đình ở hội hát canh". Một số gia đình có truyền thống hát quan họ sẽ mở lễ hát. Đặc biệt là nhà nghệ nhân Hai Chiến (xóm Trinh, thôn Lũng Giang, Huyện Tiên Du) và ngoài Đình chung.
Ông Nguyễn Thế Tương – Tiểu ban tổ chức xóm Trinh phấn khởi cho biết: “Cả xóm vinh dự vì là một trong hai địa điểm được bầu chọn tổ chức hát canh. Ngay từ những ngày đầu nhận được thông báo, người dân trong thôn nói chung và nhà ông Chiến nói riêng đã chuẩn bị thật chu đáo cho ngày hội quan họ năm nay”.
So với không khí náo nhiệt ngoài hội chính, địa điểm tổ chức hát canh khá nhẹ nhàng. (Ảnh: Hương Cúc)
Nghệ nhân Hai Chiến được biết đến như là người gìn giữ và phát huy nghệ thuật quan họ xứ Kinh Bắc. Không ít học trò của ông đã thành danh từ những làn điệu quan họ như: NSND Thúy Hường, NSND Thúy Cải,…Theo đó, việc nhà nghệ nhân Hai Chiến được bầu chọn là nơi tổ chức hát canh cũng là điều dễ hiểu.
“Ngôi nhà của gia đình tôi dù có đủ điều kiện để nâng cấp nhưng theo tinh thần quan họ lề lối cổ xưa, đến giờ chúng tôi vẫn giữ nguyên sự mộc mạc, giản đơn”, nghệ nhân Hai Chiến chia sẻ.
Mặc dù, hát canh là một loại hình diễn xướng đặc sắc nhưngs vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Mong rằng trong thời gian tới, hát canh sẽ được bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị vốn có của nó.
Hương Cúc