Hội thảo do Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Hội Truyền thông số Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu tại Việt Nam (IDG) tổ chức.
Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp công nghệ số; một số tỉnh, thành phố tiêu biểu trong thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, các chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ thông tin và an toàn bảo mật…
Các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình hay, cách làm mới, thành tựu trong công tác chuyển đổi số nói chung và các kinh nghiệm trong việc phát triển dịch vụ công trực tuyến nhằm cải thiện sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và kinh tế số.
Chia sẻ về nội dung cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nỗ lực cải thiện sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan cho biết, 9 tháng năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử tại các địa phương đạt 39%; các bộ, ngành là 22%; việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử tại các bộ, ngành đạt 81%, cấp địa phương đạt 70%. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: quá trình tham gia số hóa của cán bộ công chức, viên chức thẩm định, xử lý hồ sơ thủ tục hành chính còn rất hạn chế, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở sao chụp, chuyển từ bản giấy sang bản điện tử; nhiều giấy tờ, tài liệu đặc thù chuyên ngành phải số hóa nhưng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về cách thức số hóa phù hợp tại pháp luật chuyên ngành.
Theo ông Ngô Hải Phan, việc đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công từ kết quả triển khai Đề án 06 đang có tiến triển tích cực tại các địa phương, bộ, ngành. Hiện 3 bộ và 32 địa phương đã hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính đang dần được cải thiện. Bộ phận một cửa hoạt động ngày càng được nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động.
Trao đổi về công tác hoàn thiện Dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thượng tá Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) cho biết, việc thực hiện Đề án 06 đạt được nhiều kết quả nổi bật, đem lại nhiều lợi ích phục vụ nhân dân, doanh nghiệp với việc thúc đẩy giải quyết dịch vụ công thiết yếu. Hiện nay, Dữ liệu quốc gia về dân cư cùng các cơ sở dữ liệu khác đã được kết nối, chia sẻ với 15 bộ ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương.
Theo Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện các cơ quan chuyên môn, địa phương đang tích cực triển khai 5 nhóm mục tiêu chủ yếu của Đề án 06 là nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nhóm tiện tích phục vụ phát triển kinh tế xã hội; tiện ích phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; nhóm tiện ích phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia thảo luận các nội dung như kinh nghiệm trong xây dựng mô hình Quản trị và vận hành dữ liệu quốc gia; khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thúc đẩy thương mại điện tử và kinh tế số; xây dựng nền văn hóa riêng tư trong thời đại kỹ thuật số; đảm bảo an ninh mạng, an toàn thông tin hệ thống đáp ứng yêu cầu kết nối dữ liệu trọng yếu của Quốc gia. Đồng thời, tọa đàm với các chuyên gia an ninh mạng, nhà lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ số về chủ đề giải pháp công nghệ thông tin và bảo mật dữ liệu trên nền tảng số.
Ban Tổ chức Hội thảo đã vinh danh 17 lãnh đạo chuyển đổi số tiêu biểu năm 2023.