"Đỏ mắt" chờ kinh phí bảo trì
Ngày 12/4, đại diện Tổng Cty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, việc duy tu, sửa chữa cho khoảng 1.800 cầu đường sắt trên cả nước đang gặp khó khăn do nguồn kinh phí thường xuyên bị chậm gần 4 tháng nay.
Thủ đô Hà Nội là nơi có nhiều cầu đường sắt lớn, đón rất nhiều lượt phương tiện lưu thông qua mỗi ngày như cầu Đuống, cầu Thăng Long, cầu Long Biên... Tuy nhiên, những cầu này hiện vẫn chưa nhận được kinh phí duy tu, bảo dưỡng nào từ ngân sách theo quy định.
Cầu Long Biên - cầu đường sắt huyết mạch và có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng, hiện đang tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng do ảnh hưởng của đô thị hoá. Nhiều vị trí trên mặt cầu bị rách, thủng, khiến người đi đường có thể nhìn thấy mặt sông bên dưới. Toàn bộ khung, giàn thép chịu tải và bảo vệ an toàn đều đã ố vàng, hoen gỉ. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2021, nguồn kinh phí duy tu cầu Long Biên vẫn chưa được giải ngân. Không chỉ vậy, kinh phí dùng để bảo dưỡng thường xuyên, khắc phục các hư hỏng nhỏ trên cầu mới chỉ đáp ứng được khoảng 36% nhu cầu sửa chữa thực tế.
Những vị trí bị rách, thủng, phải đậy bằng các tấm thép trên cầu Long Biên. (Ảnh: Tiền Phong) |
Cầu Đuống cũng là một cầu đường sắt yếu, tuổi thọ cao (40 năm) và đang xuống cấp. Mỗi khi ô tô hay xe buýt đi qua, cầu lại bị rung lắc. Ở 2 làn đường đi bộ đã xuất hiện nhiều vị trí nứt, lõm sâu, có chỗ trơ cả lõi thép, hình thành nên những ổ gà, ổ trâu. Nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra do người điều khiển phương tiện phải cua gấp để tránh những ổ gà, ổ trâu này, theo Đội CSGT đường sắt, Phòng CSGT Hà Nội. Tương tự như cầu Long Biên, cầu Đuống vẫn chưa nhận được kinh phí duy tu, sửa chữa trong 4 tháng qua.
Những ổ gà xuất hiện trên mặt cầu sông Đuống. (Ảnh: Tiền Phong) |
Tại Thanh Hoá, nơi có cầu Hàm Rồng - cầu lưu thông duy nhất của tuyến đường sắt Bắc - Nam, đơn vị quản lý là Cty CP Đường sắt Thanh Hóa vẫn chưa được tạm ứng số tiền 1 tỷ đồng để bảo trì cầu hằng năm. “Việc này đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, duy tu sửa chữa và đảm bảo giao thông đi lại trên cầu, trong đó có việc chạy tàu”, ông Đinh Duy Vinh, Giám đốc Cty CP Đường sắt Thanh Hóa cho biết.
Bên cạnh đó, vẫn còn hàng trăm cầu đường sắt khác, trong đó có cầu Việt Trì (Phú Thọ), cầu Bến Thủy (Nghệ An), cầu Trường Tiền (Huế)... vẫn đang mỏi mòn chờ các cấp có thẩm quyền duyệt chi nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa năm 2021.
VNR phải cử đại diện pháp lý tới ký hợp đồng để giải ngân
Theo đại diện VNR, nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều cầu có kế hoạch duy tu, bảo dưỡng hoặc sửa chữa vẫn chưa thực hiện được là do nguồn kinh phí do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) duyệt chi đến nay vẫn chưa được giải ngân. Năm 2020, nguồn kinh phí được Bộ GTVT duyệt chi năm 2020 là 2.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông Bộ GTVT cho biết toàn bộ nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa toàn bộ hệ thống đường sắt năm 2021 đã được duyệt chi. Hiện tại, VNR không còn là một đơn vị của Bộ GTVT, mà đang nằm dưới sự quản lý của Ủy Ban Quản lý vốn nhà nước. Do đó, để số ngân sách này được giải ngân, VNR và đại diện Bộ GTVT là Cục Đường sắt phải có hợp đồng công việc. Tuy nhiên, do VNR chưa cử đại diện pháp lý ký hợp đồng với Bộ GTVT nên Bộ chưa có cơ sở để giải ngân.
Theo ông Lê Hoàng Minh, vướng mắc trên chỉ mang tính chất thủ tục, bởi số tiền duy tu, sửa chữa đã được Bộ GTVT duyệt. Dù vậy, Bộ vẫn yêu cầu phía VNR sớm cử đại diện pháp lý lên ký hợp đồng để ngân sách nhà nước được sử dụng hiệu quả nhất. Nếu tiếp tục chậm ký hợp đồng, VNR sẽ phải ứng trước các nguồn kinh phí bảo trì, sửa chữa; còn Bộ GTVT sẽ giải ngân sau khi các thủ tục pháp lý giữa 2 bên được hoàn thiện.