Trong niềm vui chung của thầy và trò cả nước, cô Nguyễn Thị Hằng Nga, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Cứ mỗi lần chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới, tôi luôn có một cảm xúc thật đặc biệt, vừa hồi hộp vừa ngóng chờ mặc dù đó là việc tôi vẫn thường làm hàng năm. Trong mấy ngày nghỉ lễ, tôi tỉ mẩn chỉnh lại những chiếc cờ hoa, làm từng món quà để tặng các con trong ngày tựu trường đầu tiên ở cấp Tiểu học. Chỉ cần nghĩ đến những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên với đầy sự bỡ ngỡ của học trò khi chập chững bước chân vào ngôi trường mới, lòng tôi đã cảm thấy hạnh phúc rồi”.
Bước sang năm thứ 5 dạy chương trình mới cho học sinh lớp 1, cô Hằng Nga cho biết: Việc sử dụng các phương pháp dạy học hiện đại, tích cực không chỉ giúp học sinh cảm thấy hào hứng trong mỗi giờ học mà còn giúp các con tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn. Khi áp dụng chương trình mới, học sinh được học tập, giáo dục để phát triển hài hòa cả nhân cách, trí tuệ, tâm hồn, thể chất, trong đó việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực của trẻ được chú trọng ngay từ lớp 1. Nhờ đó, học sinh chủ động hơn trong việc học, tự tin hơn khi tham gia vào các hoạt động học tập và giao tiếp.
Thầy Phạm Ngọc An, giáo viên Âm nhạc, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Hưng Đạo (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) bày tỏ: Năm học mới đến với khá nhiều những điều mới mẻ, như việc tăng lương cơ bản là niềm vui của các thầy cô giáo khi đã phần nào giảm bớt được khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Cùng với đó, đổi mới giáo dục phổ thông đang đi vào bước hoàn thiện. Sau những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, giáo viên đã và đang từng ngày đổi mới trong từng tiết dạy, từng bài giảng. Song, vấn đề còn khá bất cập hiện nay, cần có giải pháp để khắc phục trong thời gian tới là việc thừa - thiếu giáo viên ở một số phân môn khiến giáo viên phải dạy trái môn, tăng tiết hoặc luân phiên đi dạy biệt phái, tăng cường… gây áp lực không nhỏ tới chất lượng giáo dục và tâm lý của các thầy, cô.
Tính đến tháng 8/2024, cả nước có 25.255.251 học sinh, sinh viên; trong đó, số học sinh phổ thông là 23.186.729 em. Tổng số cơ sở giáo dục là 53.979. Tổng số giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, người lao động trong toàn ngành là 1.659.589 người.
Chia sẻ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Giáo dục trong năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu ngay và trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ để triển khai Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trên cơ sở đó, ban hành Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ một cách bài bản, khoa học, phù hợp tinh thần thực tiễn, bảo đảm tính khả thi và hiệu quả.
Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục sẽ hoàn thành chu trình đầu tiên tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; chuẩn bị các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới; tăng cường tự chủ đại học theo hướng ngày càng chất lượng, chiều sâu, thực tế, thực chất, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.
Ngành sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo. Đặc biệt sẽ dành ưu tiên nguồn lực hoàn thành xây dựng Luật Nhà giáo - dự án Luật sẽ giải quyết được một trong những vấn đề mấu chốt nhất của giáo dục, đó là phát triển đội ngũ nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch khắc phục những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, cố gắng vượt qua những thách thức, hướng tới một năm học có kết quả tốt hơn nữa.