Ông Lý Minh Hùng đã gắn bó với cây chuối ở Trảng Bom (Đồng Nai) hơn 2 thập kỷ và nếm trải đủ đắng, cay, mặn, ngọt. Bởi suy nghĩ và cách làm của người trồng chuối rất đơn giản. Mọi người xung quanh trồng chuối thế nào, ông cũng làm vậy. Thấy vườn bên cạnh vô thuốc bảo vệ thực vật, vô phân bón hoá học thì ông cũng làm theo. Lâu dần đất bạc màu, phải bón nhiều phân thuốc hơn, tồn dư lượng lớn trong đất, ô nhiễm môi trường. Giá chuối cũng bấp bênh, đầu ra không đảm bảo.
Năm 2017, hàng ngàn tấn chuối già Nam Mỹ ở “thủ phủ” chuối Đồng Nai bị ứ đọng, phải vứt bỏ, cho dê, bò ăn... khiến người nông dân điêu đứng. Bản thân ông Hùng cũng lao đao vì chuối, thu không đủ bù chi, khó khăn chồng chất.
Sau này, ông Hùng tập hợp các hộ dân góp vốn thành lập HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình để sản xuất chuối hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn, quyết tâm làm ăn lớn.
"Tôi nghĩ, mình lấy của đất cái gì thì phải trả lại cho đất cái đó. Đất khoẻ, con người cũng khoẻ. Thế nên, tất cả diện tích trồng chuối của HTX đều thực hiện theo nguyên tắc không sử dụng phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật hoá học", ông Hùng chia sẻ.
Các bộ phận của cây chuối đều được tận dụng, gần như không bỏ đi thứ gì. Như vỏ chuối đem ủ phân hữu cơ, lá chuối tạo lớp mùn cho đất tơi xốp. Cùi buồng chuối cũng được tận dụng để sản xuất chén, bát... Phần bẹ chuối đem làm xơ, sợi, hoặc đơn giản là phơi khô đem bán với giá 8.000 đồng/kg. Đây chính là phần tạo ra giá trị gia tăng từ cây chuối nhưng lại thân thiện môi trường.
Quả chuối tươi đủ chuẩn được đóng thùng xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, Châu Âu, Châu Á… Có tháng HTX xuất đi gần 200 container hàng. Những quả có mẫu mã xấu được đưa vào làm tinh bột, chuối sấy. Đây là hướng sản xuất bền vững, làm nông nghiệp xanh. Hiện, 1 ha trồng chuối của HTX, nông dân đạt lợi nhuận trung bình 200 triệu đồng/năm, ngoài ra còn thu thêm khoảng 50-70 triệu đồng từ sản phẩm giá trị gia tăng khi làm nông nghiệp tuần hoàn.
Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và tuần hoàn mà HTX đang làm cũng là nông nghiệp xanh, góp phần giảm phát thải. Ông Hùng còn định hướng cánh đồng chuối của HTX sẽ bán tín chỉ carbon. Sản phẩm thì dán nhãn xanh.
"Khi đạt tất cả các tiêu chuẩn từ an toàn thực phẩm đến “xanh”, sản phẩm của mình sẽ như cô gái đẹp mà ai cũng thích", ông Hùng nói.
Hơn một năm trước, ông Hùng đi qua Đức và Ý đã thấy họ áp dụng những tiêu chuẩn xanh trên hàng hóa. Thế nên, ông nghĩ bắt buộc phải làm để đưa sản phẩm vào các thị trường này, nếu không sẽ bị đào thải.
Thực tế, trong lộ trình tiến tới Net Zero, yếu tố quyết định chính là thị trường. Bởi, xu hướng tiêu dùng trên thị trường sẽ quyết định đến sản xuất. Từ đó có thể suy ra, người nông dân nếu không thay đổi thì sẽ bị đứng ngoài cuộc chơi.
Với quy trình sản xuất hiện nay, HTX Thanh Bình tự tin bán hàng vào bất cứ thị trường nào. Thậm chí với khách hàng Nhật Bản, HTX tự tin cho họ đem hàng đi kiểm nghiệm ở bất cứ cơ quan hay trung tâm nào để test các chỉ số trong tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
HTX Thanh Bình cung ứng được hàng trăm container chuối cho khách hàng ở các quốc gia mỗi tháng. Với mỗi thị trường, có một vùng trồng phù hợp, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn của họ. Thế nên, sản phẩm không ế bao giờ.
"Tôi mong người nông dân hãy năng động lên, cùng quy tụ thành tổ hợp tác, hợp tác xã để làm ăn lớn. Hợp tác xã làm tốt thì ngang với một tập đoàn, doanh nghiệp lớn", ông Lý Minh Hùng chia sẻ.