Triển khai từ tháng 10/2023 đến nay, dự án đã hỗ trợ Liên hiệp HTX - Nông nghiệp tổng hợp Mai Sơn, xã Cò Nòi và HTX nông nghiệp Sơn La, huyện Mai Sơn; HTX Nam Sơn - Phú Lương, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La; HTX Long Hiếu, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, khoản vay không lãi suất trị giá 1 tỷ đồng/HTX trong 5 năm. Các HTX cam kết đầu tư kho xưởng, trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, chăn nuôi, đẩy mạnh liên kết các hộ nông dân sản xuất tập trung… góp phần tăng năng suất lao động, tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho lao động địa phương.
HTX Nam Sơn - Phú Lương, bản Nà Lốc, thị trấn Ít Ong, huyện Mường La, chuyên sản xuất các sản phẩm dược liệu, HTX đã sử dụng vốn vay đầu tư làm vườn ươm cây giống, liên kết với các hộ trồng cây dược liệu, như: Cà gai leo, đẳng sâm, hoa cúc,…
Ông Nguyễn Vũ Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nam Sơn - Phú Lương, chia sẻ: Năm nay, HTX đã liên kết với 8 hộ dân thị trấn Ít Ong trồng 3 ha cà gai leo, đến nay, 1 ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt 4 tấn quả tươi. HTX thu mua toàn bộ sản phẩm của các hộ liên kết, ngoài ra còn tạo việc làm thời vụ cho 25 lao động địa phương.
Thành lập năm 2019, Liên hiệp HTX nông nghiệp tổng hợp Mai Sơn, huyện Mai Sơn, có 10 thành viên là các HTX chuyên trồng, chế biến dâu tây, cây ăn quả và các loại rau, củ, quả khác. Với nguồn vốn vay hỗ trợ 1 tỷ đồng từ dự án, các thành viên đầu tư hệ thống tưới tự động, mở rộng quy mô trồng dâu tây và xây dựng xưởng sơ chế rộng 1.000 m2.
Bà Bùi Thị Thơ, Chủ tịch Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX nông nghiệp tổng hợp Mai Sơn, chia sẻ: Trong niên vụ 2023-2024, với 50 ha dâu tây, Liên hiệp HTX đã thu hoạch 80 tấn quả tươi, cung cấp cho các thương lái trên toàn quốc, với giá bán bình quân 100.000 đồng/kg, tổng doanh thu gần 8 tỷ đồng. Liên hiệp HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Khác với cách làm truyền thống là hỗ trợ trực tiếp từng hộ dân, dự án đã hỗ trợ thông qua các HTX. Với vai trò là tổ chức pháp nhân đại diện cho thành viên, các HTX đã cam kết tạo thêm việc làm ổn định cho các hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Cách làm này đã mang lại hiệu quả, giúp các hộ nghèo có thu nhập ổn định ngay từ khi tham gia dự án. Thông qua chương trình, các hộ còn được cán bộ khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tìm đầu ra cho sản phẩm và đồng hành cùng các hộ gia đình thoát nghèo bền vững.
Chị Lò Thị Bình, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chia sẻ: Trong quá trình hợp tác cùng với Quỹ Thiện Tâm triển khai dự án, chúng tôi luôn đồng hành, hỗ trợ các HTX về chuyên môn; đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất; tư vấn về quản lý và phát triển sản phẩm. Mục tiêu là giúp các HTX nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Sau 5 năm thực hiện dự án, các HTX cam kết hoàn trả từ 30-50% vốn hỗ trợ ban đầu cho Quỹ Thiện Tâm và hoàn trả toàn bộ phần vốn còn lại trong thời hạn tối đa 10 năm, hoặc khi địa phương không còn hộ khó khăn cần hỗ trợ. Sau khi kết thúc thời hạn cho vay, toàn bộ nguồn vốn hoàn trả được tái đầu tư vào các mô hình nông nghiệp tiềm năng hoặc ưu tiên xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng, nhằm tạo ra giá trị lâu dài và bền vững.
Dự án "Hợp tác xã liên kết với hộ nông dân để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững" đã mang liệu hiệu quả, tích cực. Mong rằng, dự án được nhân rộng, tiếp sức về nguồn vốn, tạo đòn bẩy giúp các HTX tại Sơn La nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo sinh kế bền vững, cải thiện đời sống cho nhân dân.