Ngày 21-12, lãnh đạo Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên cho biết đơn vị đã có kết quả phân tích mẫu nước biển chuyển màu nâu đậm bất thường xảy ra tại bờ biển xã Bình Thuận (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).
Theo đó, 5/10 mẫu nước biển ven bờ có chất răn lơ lửng vượt 1,2-9 lần. Tảo silic trong các mẫu thực vật đáy (phytoplankton) hơn 420.700 tế bào/lít, loài Asterionellosis glacialis có mật độ 304.213 tế bào/lít.
Nước màu đen nâu đọng tại một hố lóng Công ty Hào Hưng. Ảnh TN |
Cùng với đó, 10/10 mẫu nước biển ven bờ có hợp chất tanin và lignin có hàm lượng trung bình từ 0,88 ml/lít, cao nhất là 1,74 ml/lít.
Theo vị lãnh đạo này, tảo Silic hằng năm vào mùa này có nhưng nhạt hơn, năm nay đậm hơn. Việc này rất logic với chuyện sau hai cơn bão số 5 và 6, các cảng dăm gỗ ứ đọng không xuất được hàng cùng với lượng mưa lớn thấm qua dăm cuốn theo hợp chất lignin và tanin ra ngoài.
“Hai hợp chất này từ gỗ mà ra, đây là nguyên nhân tạo ra màu đen do sóng biển đánh nổi bọt dạt vào bờ biển Khe Hai (xã Bình Thạnh)” - vị này nói.
Hình ảnh nước màu nâu đậm chảy ra từ cống của Công ty Hào Hưng. Ảnh: TN |
Theo vị này, với thông số và hàm lượng như vậy không độc hại, trùng với ghi nhận hiện trường tại khu vực bờ biển lấy mẫu phân tích.
Trước đó, người dân quay video tố cáo Công ty TNHH MTV Hào Hưng (Khu kinh tế Dung Quất) xả nước có màu nâu đậm ra môi trường. Lãnh đạo công ty cũng thừa nhận và cho rằng đây là nước thấm rỉ qua dăm sau hai cơn bão số 5 và 6.
Sau đó, tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường công an tỉnh này thụ lý, điều tra vụ việc.
Bọt biển đọng lại trên cát có màu vàng. Ảnh: TN |
Vị này cho biết thêm do đặc thù các cảng miền Trung xuất khẩu dăm gỗ nhiều, tình trạng đưa dăm gỗ xuống biển chờ xuất khẩu nhưng đến khi gặp mưa thì công tác môi trường chưa đảm bảo. Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên sẽ kiến nghị xin phép thanh tra toàn bộ các cảng biển về vấn đề này.