Axit là một hóa chất rất nguy hiểm, có thể làm bị thương trên da chỉ với số lượng nhỏ, không những thế còn khiến cho những người hít phải hơi này gặp khó khăn trong hô hấp, hơi axit sản sinh ra những phản ứng độc hại làm tổn thương phổi. Nạn nhân bị bỏng do axit nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây nhiễm trùng nặng trên da, thậm chí tử vong.
Axit có nhiều loại, trong đó có 3 loại axit vô cơ mạnh thường gây bỏng đó là axit sunfuric (H2SO4), axit nitric (HNO3) và axit clohidric (HCl). Đây đều là các axit có tính oxy hóa mạnh, nhất là ở nồng độ đậm đặc sẽ gây bỏng và tổn thương nhanh chóng khi tiếp xúc trực tiếp qua da.
Theo các chuyên gia, do tính chất oxy hóa mạnh nên khi tác động lên cơ thể, axit sẽ phá hủy cấu trúc mô như da, mỡ, gân, cơ, gây hoại tử từ ngoài vào trong theo cơ chế đông vón protein của cơ thể.
Theo một thí nghiệm nhỏ, axit có thể gây tổn thương trên da chỉ trong vòng 5 giây, mặc dù hiện nay có nhiều biện pháp chữa trị nhằm tái tạo làn da bị bỏng do axit nhưng nếu vết bỏng sâu thì dù có tái tạo vẫn khó có thể được như ban đầu.
Nạn nhân bị bỏng axít thường có 2 đối tượng, 1 là hậu quả của những cuộc ghen tuông, thù hằn cá nhân, 2 là học sinh, sinh viên, các bạn trẻ hoặc những người học tập, nghiên cứu đến ngành có liên quan và xảy ra tai nạn trong lúc đang nghiên cứu.
Khâu sơ cứu khi bị bỏng axit rất quan trọng, có thể giúp hạn chế rủi ro thấp nhất cho nạn nhân. Việc trước tiên người bị tạt axit cần làm ngay đó là dội, xịt nước lạnh vào vùng da bị dính axit trong 15 phút trở lên. Chú ý khi dội nước cần giữ tư thế sao cho không để axit chảy vào các vùng khác của cơ thể.
- Xé bỏ hết quần áo có dính axit, trong lúc xịt nước hãy nhẹ nhàng gỡ quần áo, tránh lột trực tiếp vì như thế dễ gây lột da và làm tổn thương sâu hơn đến vùng bị bỏng.
- Che vùng bị bỏng bằng băng sạch và gạc khô, vô trùng để đảm bảo vết thương sẽ không bị nhiễm trùng.
- Chú ý, trong lúc sơ cứu không được sử dụng tay không, nếu không chính bạn cũng sẽ là nạn nhân gián tiếp của axit.
- Trong lúc sơ cứu gọi ngay cấp cứu hoặc di chuyển tới cơ sở y tế gần nhất để được chữa trị kịp thời.
- Nếu vùng tổn thương là mắt, cần nhanh nhất rửa mắt với nước, có thể mở mắt trong chậu rửa hoặc chớp mắt nhiều lần trong khi rửa nhẹ nhàng với vòi xả trực tiếp.
- Nếu nạn nhân là trẻ em, cần cho bé nằm trong bồn tắm và ngửa đầu và xịt nhẹ nước vào sống mũi giữa hai mắt ít nhất trong vòng 20 phút.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý tránh những điều sau:
- Không cần cố gắng để gỡ bỏ quần áo vì điều này có thể khiến nạn nhân đau đớn, nếu quá đau hãy dùng đến thuốc giảm đau.
- Không ngâm vết thương trong nước vì sẽ rất dễ bị nhiễm trùng.
- Không sử dụng khăn có sợi vì các sợi vải từ khăn lau sẽ dính vào vết thương.
- Không chườm vết thương bằng đá lạnh vì rất dễ làm tổn thương da nặng hơn, không bóp vỡ các bóng nước trên vùng bỏng.
- Phải hô hấp nhân tạo nếu nạn nhân có dấu hiệu thở yếu, thở nông và ngừng thở.
- Tránh hết sức có thể việc tiếp xúc với axit, nếu bắt buộc phải tiếp xúc, phải mang những dụng cụ bảo hộ đầy đủ gồm mặt nạ, kính mắt, quần áo, găng tay,…
Mỹ Thơm (TH)
>>>Nên đọc: 'Tất tật' thông tin về bệnh ấu dâm, nhân vụ Minh Béo bị bắt