Angela không nhớ rõ mình đã trở về nhà như thế nào, sau một vài giờ hay một vài ngày. Nhưng sự việc ngày hôm đó không đơn giản là sự bốc đồng ngây thơ của một bé gái nhỏ, mà là kỷ niệm đầu tiên của bà về một tuổi thơ đầy khó khăn khi phải chịu đựng sự bạo hành tinh thần từ chính mẹ sinh ra mình.
Sự bạo hành im lặng
Bạo hành tinh thần trẻ em được định nghĩa là những thái độ, lời nói, hành vi có ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tâm thần của trẻ từ cha mẹ, người chăm sóc hoặc những người trưởng thành khác có vai trò quan trọng của đối với trẻ. Những hành vi này thường làm tổn hại tới sự phát triển về tinh thần và lòng tự tôn của trẻ em. Các hành vi bạo hành tinh thần trẻ em gồm có chửi rủa, sỉ nhục, đe dọa bạo lực, bạo hành thể chất hoặc tinh thần người khác trước mặt trẻ, cho phép trẻ sử dụng chất cấm, chất kích thích.
Ở trường hợp của nhà báo Angela, bà chưa từng bị mẹ đánh đập hay đe dọa bạo lực. Nhưng nỗi đau tinh thần thì còn nặng nề hơn nhiều những nỗi đau thể xác. Mẹ của Angela, bà Florence, thường xuyên nói với con gái rằng bà chỉ muốn gọi cô là “con quỷ” thay vì “Angela”, bởi cô không mang lại cho bà “một chút niềm vui nào”. Bà Florence cũng là một người phụ nữ có tâm lý thay đổi liên tục, rất nóng nảy và bất cứ điều gì cũng có thể khiến bà giận giữ. Bà không ngừng sỉ vả và liên tục khẳng định rằng Angela sẽ “chẳng làm nên trò trống gì”.
Angela khi tròn 3 tuổi |
Năm Angela lên 9 tuổi, bà Florence đưa ra một quyết định kỳ lạ là cấm con gái không được đọc sách, dù biết sách là niềm đam mê của cô bé. Ban đầu, Angela lén lút đọc sách trong chăn, dưới ánh sáng của đèn pin. Nhưng sau đó, người mẹ phản ứng gay gắt đến nỗi Angela chỉ còn dám tranh thủ đọc khi ở trường. Chú cún Sally, người bạn duy nhất của Angela trong nhà, cũng bị bà Florence đem đi cho đột ngột.
Khi Angela đến tuổi hẹn hò, bà Florence săm soi kỹ lưỡng những người bạn trai của con gái, khiến họ ngại ngần không còn dám qua lại nhà. Khi không còn thấy có cậu bạn trai nào tới, bà mẹ đắc thắng nói với con gái mình: “Thấy chưa? Mẹ đã bảo là không thằng nào thèm cưới con đâu mà”.
Nhiều năm sau, Angela lập gia đình và mang thai đứa con đầu lòng. Khi thông báo tin vui cho mẹ, bà Florence lại dội cho cô một gáo nước lạnh: “Mẹ hy vọng rằng đứa bé sẽ giống con. Để con có thể hiểu được mẹ đã phải chịu đựng đến thế nào”.
Trong nhiều thập kỷ, Angela giấu kín sự sự thật về mối quan hệ giữa hai mẹ con trong lòng. Không ai ngờ đằng sau một vẻ ngoài xinh đẹp, sự thông minh và cuốn hút đối với người ngoài, bà Florence lại có thể trở thành một người phụ nữ hoàn toàn khác khi đối xử với con mình. Suốt những năm tháng tuổi thơ, Angela thường vùi mặt vào gối khóc mỗi đêm vì nỗi cô đơn, sự tổn thương và cảm giác thiếu thốn tình thương.
Những câu chuyện tương tự như của Angela có thể bắt gặp ở bất cứ nơi đâu, và điều đáng buồn là rất nhiều bậc cha mẹ có tâm lý “yêu cho roi cho vọt” và coi cách cư xử như của bà Florence là bình thường. Tâm lý này khiến cho tình trạng bạo hành tinh thần trẻ em dù xảy ra rất thường xuyên nhưng lại ít được chú ý. Bạo hành tinh thần trẻ em xảy ra ở mọi loại gia đình. Nhưng xảy ra thường xuyên nhất ở những gia đình đang gặp khó khăn về tài chính, gia đình cha mẹ đơn thân, gia đình đang trải qua quá trình ly hôn hoặc gia đình có người lạm dụng ma túy.
Nhưng không hề khó để nhận thấy một đứa trẻ đang bị bạo hành tinh thần. Trẻ em bị bạo hành tinh thần trong gia đình thường có những biểu hiện tiêu cực như sợ bố mẹ, ghét bố mẹ, có những lời nhận xét tiêu cực về bản thân, chậm trưởng thành về mặt cảm xúc hơn trẻ em cùng độ tuổi, có những thay đổi đột ngột trong cách ăn nói, hành vi, năng lực học tập sa sút. Cha mẹ có xu hướng bạo hành tinh thần con cái thường có biểu hiện không quan tâm tới cảm giác của trẻ, nói xấu trẻ, không động chạm hay có những hành động âu yếm với trẻ và trong một số trường hợp là không quan tâm chăm sóc sức khỏe của trẻ.
Hậu quả nặng nề
Theo một nghiên cứu do Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ APA công bố năm 2014, bạo hành tinh thần có ảnh hưởng lâu dài suốt cuộc đời nạn nhân. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, trẻ em bị cha mẹ bạo hành tinh thần đối mặt với những vấn đề sức khỏe tinh thần tương tự, thậm chí còn tồi tệ hơn, so với trẻ em là nạn nhân của bạo hành thể xác hoặc lạm dụng tình dục. Trẻ bị bạo hành tinh thần thường mắc các hội chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, thiếu tự tôn, căng thẳng sau sang chấn và trong nhiều trường hợp đã nảy sinh ý định muốn tự sát.
Angela Levin và mẹ |
Nghĩ về những năm tháng tuổi thơ, nhà báo Angela Levin cảm thấy mình may mắn khi ngay từ nhỏ, cô đã nhận thức được rõ ràng rằng bản thân mình không tồi tệ như bà Florence nghĩ. Angela luôn giữ được niềm tin rằng dù không hoàn hảo, nhưng cô vẫn là một đứa trẻ tốt. Niềm tin vào bản thân đã là động lực để Angela gây dựng một sự nghiệp viên mãn và một gia đình hạnh phúc cùng chồng và ba cậu con trai. Đôi lúc, Angela thầm cảm ơn mẹ mình vì bà đã là một bánh xe đổ để cô tránh không đi vào.
Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào là nạn nhân bạo hành tinh thần trong gia đình cũng được may mắn như Angela. Phần lớn trường hợp, sự bạo hành tinh thần khiến trẻ bị rối loạn phát triển nhân cách, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến suốt đời.
Theo tiến sĩ tâm lý học Mayra Mendez, một bác sĩ hành nghề tại California, Hoa Kỳ, trẻ em bị bố mẹ bạo hành tinh thần khi lớn lên thường gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ với người khác. “Khả năng xây dựng một mối quan hệ lành mạnh thường phụ thuộc nào năng lực cảm xúc xã hội của bạn”, tiến sĩ Mendez cho biết. “Một người khi còn bé bị cha mẹ bạo hành về cảm xúc thường bị mất lòng tin, và khả năng gây dựng và duy trì những mối quan hệ lành mạnh cũng vì thế mà bị ảnh hưởng”.
Trẻ em bị bạo hành tinh thần khi lớn lên cũng có xu hướng tự cách ly với những người xung quanh về mặt cảm xúc. “Trẻ em học cách đè nén cảm xúc của mình để có thể vượt qua nỗi đau bị bạo hành tinh thần”, tiến sĩ Mendez nói. “Đóng cửa mọi cảm xúc là điều cần thiết để chúng có thể sống sót về mặt tâm lý”.
Ngoài ra, trẻ em thiếu thốn sự động viên, khích lệ, sự ghi nhận từ cha mẹ khi lớn lên sẽ trở thành những người luôn khao khát và tìm kiếm sự quan tâm tích cực của những người khác. Sự bạo hành tinh thần khiến trẻ thấy thiếu thốn tình cảm và tình thương, dẫn đến việc chúng luôn cảm thấy ám ảnh trước áp lực phải làm vừa lòng người khác trong suốt cuộc đời sau này.
Lên tiếng
Dù là một phụ nữ mạnh mẽ và kiên định, nhưng cũng đã có những lúc Angela không dám sinh con vì sợ rằng sẽ trở thành một người mẹ giống như mẹ mình. Nhưng khi những đứa trẻ xuất hiện, tình mẫu tử đến một cách tự nhiên và cô hiểu rằng, việc có một người mẹ bạo hành không nhất thiết khiến cô cũng trở thành một người mẹ tồi.
Nhưng Angela cũng hiểu những nạn nhân nhỏ tuổi của tình trạng bạo hành tinh thần trong gia đình đang thiếu sự quan tâm và trợ giúp cần thiết từ xã hội. Đầu năm nay, Angela cùng bạn cô, nhà tâm lý học Alyson Corner, đã lập trang web myhorridparent.com để hỗ trợ đối tượng này.
Không chỉ là nơi những nạn nhân của tình trạng bạo hành tinh thần đối với trẻ em trong gia đình lên tiếng, chia sẻ tâm sự của mình, trang web còn hướng dẫn trẻ cách phản ứng và hành xử khi bạo hành xảy ra.
Chỉ trong 2 tuần đầu tiên, trang web myhorridparent.com đã nhận được 100.000 lượt ghé thăm từ khắp nơi trên thế giới. Trang web cũng nhận được những ý kiến trái chiều phản đối, cho đây là một diễn đàn tiêu cực khi cho phép con cái kể những điều không hay về cha mẹ.
Tuy nhiên, tiến sĩ tâm lý học Patrick Ryan của Đại học Limerick, Ireland, cho rằng đây là một ý tưởng tốt để nâng cao nhận thức về vấn đề này.
“Người ta đang nhồi nhét cho trẻ em suy nghĩ hão huyền rằng đã là cha mẹ thì quyền lực nhất, hiểu biết nhất và lúc nào cũng đúng”, tiến sĩ Ryan nhận định.
“Nhưng chúng ta, những người làm cha làm mẹ, cũng tự hiểu rằng chúng ta thường xuyên không biết mình đang làm gì, không nắm bắt được đủ thông tin, và không phải lúc nào cũng đúng.
“Nếu chúng ta có thể giải phóng chính bản thân mình cũng như con cái mình khỏi suy nghĩ cứng nhắc đó, thì chúng ta sẽ xây dựng được mối quan hệ cha mẹ - con cái tốt đẹp hơn”, ông nói.