Theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đếm từng người dân có thể bị làn sóng dịch bệnh cuốn đi xa hơn trên con đường nghèo khó.
Ông nêu rõ từng con số và nhấn mạnh đây đều là các con số chưa đầy đủ. Tính đến quý II và 6 tháng đầu năm 2020, đã có 30,8 triệu người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, trong đó 2,4 triệu lao động mất việc, tỉ lệ thất nghiệp trên cả nước tăng 2,73%; khu vực thành thị tăng 4,46%; có khoảng 17,6 triệu người giảm thu nhập do dịch COVID-19…
Nhắc lại lời hứa, “không để người dân nào bị bỏ lại trong công cuộc phát triển đất nước cũng như trong chiến đấu với dịch bệnh”, Thủ tướng quả quyết, “phải luôn giữ cho được lời hứa này”.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, kể cả tình hình ngân sách căng thẳng, thâm hụt ngân sách 2020 dự báo tiếp tục tăng, vẫn cần tiếp tục tăng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Gói hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt gói an sinh xã hội đã được giải quyết một bước nhưng cần quyết liệt triển khai nhanh hơn, trúng và mở rộng hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.
Trong tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định 22 về việc giảm 15% tiền thuê đất của năm 2020 cho doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cũng liên quan đến đất, hồi tháng 4, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Còn vào tháng 5, Nghị quyết 84 của Chính phủ được ban hành đưa ra hàng loạt các chính sách miễn, giảm thuế như giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ…
Chỉ trong hai tháng từ tháng 5 đến tháng 7, Bộ Tài chính ban hành 17 Thông tư điều chỉnh giảm mức thu phí, lệ phí. Qua đó, giảm 30 khoản phí, 14 khoản lệ phí với tổng số tiền giảm khoảng 1.000 tỷ đồng/năm. Nhiều khoản phí, lệ phí giảm ở mức chưa từng có, tới 70%.
Dẫn ra thực tế nhiều nước dành tới 10% GDP để ứng phó với đại dịch, Thủ tướng so sánh với nhiều nước, không gian tài khoá, tiền tệ của Việt Nam còn dư địa lớn với tỷ lệ nợ công liên tục giảm từ mức 64,8% đầu nhiệm kỳ đến nay còn khoảng 54,5%.
Với quy mô GDP khoảng 300 tỷ USD, thì Việt Nam cũng có thể mạnh dạn tính toán đến việc có thể chi tới 10% GDP là 30 tỷ USD để ra thêm các gói hỗ trợ cho người dân.
Nhưng miễn giảm thuế khóa không phải là giải pháp nhất thời ứng phó với đại dịch, mà đã là chính sách bao trùm trong cả nhiệm kỳ này của Chính phủ.
Ở lĩnh vực chiếm đến gần70% dân số tham gia là nông nghiệp, trong 4 năm qua, pháp luật về thuế đã quy định ưu đãi ở mức cao nhất.
Năm 2018, các loại thuế, phí trong nông nghiệp được rà soát bãi bỏ lên đến hàng trăm danh mục. Năm 2017, từ Nghị quyết số 75 của Chính phủ và Chỉ thị số 26 của Thủ tướng Chính phủ về yêu cầu giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, hàng chục khoản phí cũng phải theo nhau giảm…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, ngày 24/4/2020. - Ảnh: VGP |
Có những thời điểm như từ tháng 4 đến tháng 7/2018, Chính phủ liên tiếp ban hành 4 Nghị định tập trung vào các cơ chế chính sách ưu đãi về sử dụng, thuê đất đai, mặt bằng kinh doanh, ưu đãi về thuế… cho nông nghiệp.
Hằng năm, muộn nhất là vào 26 Tết, Tổng cục Dự trữ Nhà nước phải hoàn thành 100% kế hoạch xuất cấp gạo hỗ trợ cho người dân vùng khó, vùng bị thiên tai, bão lụt để giúp họ vơi bớt nỗi nhọc nhằn, cùng cả nước đón chào một năm mới trong đầm ấm.
Những ngày cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều đi thị sát các tỉnh, thành kiểm tra việc chuẩn bị Tết cho dân.
Bởi Thủ tướng lo lắng, “dù chính sách được ban hành tỉ mỉ đến mấy nhưng nếu các cấp chính quyền địa phương không thực sự sâu sát, trách nhiệm, thì sẽ còn những hộ dân không có mùa xuân, một bộ phận người dân có thể sẽ bị “bỏ quên” vì bệnh quan liêu, xa dân của chính quyền”.
Làm việc với lãnh đạo các địa phương và đi tặng quà Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần đặc biệt quan tâm, kiểm tra thực chất toàn bộ tình hình đón Tết của người dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương phải trực tiếp đến từng hộ dân nắm bắt tình hình để hỗ trợ kịp thời, không để hộ nào không có Tết.
Thủ tướng cũng ra Chỉ thị nêu rõ, các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà đối với các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp mà dành nguồn lực và thời gian đi thăm hỏi các gia đình chính sách, các hộ nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ.
Không chỉ ban hành các chính sách khoan thư sức dân, Chính phủ còn trực tiếp “giải cứu” cho người dân. Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), “cứ mỗi khi mất mùa, mất giá, gặp khó là có ngay Chính phủ”.
“Lòng nóng như lửa, đứng ngồi không yên” là lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp chiều 19/2/2019 khi ông chỉ đạo các giải pháp cho nông dân ĐBSCL đang lao đao vì đà giảm của giá lúa gạo. Đó không phải là lần đầu tiên Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo các giải pháp hỗ trợ cho nông dân.
Với sự hỗ trợ này, ngành nông nghiệp có được khí thế vùng lên, chuyển dấu tăng trưởng từ âm (-) của năm 2016 sang dương (+) từ đó đến nay liên tục ở mức cao, ngay cả giữa thời chao đảo vì đại dịch, vẫn giữ được “phong độ”. Việt Nam ngày càng có nhiều hơn những triệu phú, tỷ phú nông dân.
Thủ tướng chia sẻ trong lòng ông luôn biết ơn người dân vì “người dân của chúng ta rất bao dung. Chính phủ chưa có nhiều nguồn lực để hỗ trợ nhiều hơn cho người dân, nhưng chính sách hỗ trợ dẫu ít, cũng luôn được người dân đón nhận và trân trọng”.
Mặc dù có nhiều người dân nói với Thủ tướng rằng không phải là những điều gì quá to tát, mà chỉ là bữa cơm mỗi ngày no hơn, ngon hơn; thiên tai, bão lũ được quan tâm nhiều hơn; ốm đau bệnh tật được chăm sóc tốt hơn; Tết đến xuân về bình an hơn… cũng đều mang lại cho người dân cảm giác hạnh phúc.
Nhưng Thủ tướng thấy Chính phủ chưa thể yên lòng. Con đường thịnh vượng cho đất nước, cho sự sung túc, khá giả hơn cho người dân, đòi hỏi Chính phủ ngày đêm phải lao tâm khổ trí, vừa triển khai các chính sách đột phá phát triển kinh tế, vừa thực thi không ngừng các chính sách khoan thư sức dân.
Trong dịp Tết năm ngoái, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Người phát ngôn của Chính phủ nhận được câu hỏi, “chưa từng thấy thời kỳ nào mà Chính phủ cứu đói, xây nhà cho dân nghèo nhiều như thời kỳ này, phải chăng Chính phủ thời này giàu hơn thời trước, nên có nhiều hơn nguồn lực để lo cho dân?”
Bộ trưởng trả lời, “Chính phủ thời kỳ nào cũng vậy, dù giàu dù nghèo, cũng luôn thực lòng quan tâm chăm lo đời sống của Nhân dân. Đó là cái tâm của những người làm lãnh đạo”.
Từ hơn 7 thế kỷ trước, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn từng nói, “thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”.
Giờ đây, đối phó với đại dịch COVID- 19, không khác gì trong một cuộc chiến, Chính phủ không chỉ tiếp tục bền bỉ thực hiện mà còn thực hiện cấp tập hơn nữa thượng sách ấy.