Về tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, bà Đỗ Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang cho biết, đây là nội dung được đông đảo dư luận, nhân dân quan tâm bởi "đoàn kết" là giá trị cốt lõi, "đại đoàn kết toàn dân tộc" là đường lối chiến lược, cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa thiết thực đối với việc tạo ra sức mạnh nội sinh đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa và thành quả cách mạng. Do đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, với đặc thù là tỉnh miền núi có 22 dân tộc cùng chung sống, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Tuyên Quang triển khai nghiêm túc, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 8 nghị quyết chuyên đề, 3 chỉ thị, 2 đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 9 đề án chuyên đề, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 7 nghị quyết, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách thực hiện xuyên suốt, thống nhất trong cả nhiệm kỳ, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, cụ thể hóa mục tiêu phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quá trình triển khai, Tuyên Quang có nhiều sáng tạo, linh hoạt trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đảng bộ, chính quyền các cấp tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, giáo dục nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, truyền thống đoàn kết của dân tộc thông qua những hình thức khác nhau.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang triển khai nhiều phong trào thi đua yêu nước, từ đó lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", các phong trào "Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, hội nhập quốc tế", ủng hộ và giúp đỡ người nghèo, "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau"… được triển khai sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu cụ thể, thiết thực. Với phương châm "Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm", kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn của tỉnh thời gian qua được quan tâm đầu tư xây dựng.
Ông Lê Ngọc Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho biết, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong 20 năm qua tạo bước chuyển mới về nhận thức của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân. Ngày hội tác động nhiều mặt trong đời sống chính trị, văn hóa, xã hội ở địa phương, cổ vũ, động viên tinh thần nhân dân, tạo điểm nhấn, theo sắc thái riêng của mỗi địa phương, cộng đồng dân tộc, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng mở rộng.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt phát huy quyền làm chủ, ý thức tự giác, tự nguyện của nhân dân tham gia thực hiện hiệu quả 5 nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", đóng góp triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn; tạo điều kiện cho việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo môi trường gắn bó, thân thiết, gần gũi giữa Đảng với nhân dân.
Giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh xây dựng được trên 2.700km đường giao thông nông thôn với tổng nguồn lực huy động đạt trên 1.400 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 48%, nhân dân đóng góp 52%).
Trong giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh kiên cố hóa hơn 944km kênh mương bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, kinh phí thực hiện trên 822 tỷ đồng (Nhà nước hỗ trợ 80%, nhân dân đóng góp 20%). Nhân dân còn tích cực tham gia đóng góp bê tông hóa 470km đường giao thông nội đồng; xây dựng và đưa vào sử dụng 550 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao, khuôn viên. Nhiều hộ tình nguyện đóng góp trên 825.000 ngày công lao động, tự nguyện hiến hơn 113.000m2 đất xây dựng các công trình.
Thực hiện Đề án xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tham gia giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình, dự án, năm 2022, toàn tỉnh có trên 1.700 lượt chi bộ, đảng bộ với 79.360 lượt cán bộ, đảng viên và 186.400 lượt nhân dân tham gia các hoạt động ở cơ sở. Đặc biệt đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa trên 2.460 nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, tổng kinh phí huy động hơn 250 tỷ đồng, đạt 64,5% kế hoạch.
Tỉnh chú trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau", đến nay đã vận động ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được trên 60 tỷ đồng. Khi COVID-19 bùng phát, mặc dù còn nhiều khó khăn song cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tích cực ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm trị giá trên 48 tỷ đồng hỗ trợ chốt kiểm dịch, nhân dân Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam…
Để tiếp tục củng cố, tăng cường, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian tới, tỉnh tập trung quán triệt sâu sắc, đầy đủ, toàn diện quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, "vai trò chủ thể, vị trí trung tâm" của nhân dân trong quá trình xây dựng, phát triển bền vững, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Tuyên Quang trở thành "tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc".