Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 3/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu của Thủ tướng là không để xảy ra thiếu điện trong năm 2019, không để thiếu điện trong sản xuất và trong sinh hoạt.
Thủ tướng đã nhiều lần gửi thư, nhắc nhở Bộ Công Thương về việc này. Cùng với đó, phải làm sao tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực điện năng. Nếu không thực hiện tốt sẽ có trách nhiệm của cơ quan liên quan.
Cũng theo Bộ trưởng Dũng, trước kia có tình trạng tồn đọng 12 triệu tấn than, trong khi đó giá than thế giới rẻ, nhưng giờ lại tăng vọt lên, chính vì thế không còn than tồn nữa. Nhu cầu than cho nhiệt điện, trong sản xuất tăng lên, và việc này phải chủ động phối hợp xử lý.
Liên quan đến việc thiếu than cho ngành điện, PV đặt câu hỏi, Bộ Công Thương có kịch bản đối phó với việc này?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp, có xem xét rất kỹ về kinh phí sản xuất kinh doanh của EVN. Tính đơn giản trừ chi phí và số tiền bán điện thu về, ông Hải khẳng định, kinh doanh điện 2017 đang bị lỗ. Cộng đầu thu chi, chênh lệch tỉ giá thì ngành điện lỗ 2,2 nghìn tỷ đồng vào năm 2017 chứ không phải có lãi.
Về điều hành điện 2019, hiện đã đưa ra 4 kịch bản tương ứng. Bộ Công Thương sẽ xem xét kịch bản giá định và xem xét tác động trong việc tăng giá điện và sẽ có báo cáo trong tháng này.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, thực tế nhiều hồ thủy điện xảy ra khô hạn những tháng cuối năm 2018, ảnh hưởng đến việc cung cấp điện 2019. Tuy nhiên Bộ có yêu cầu cung cấp theo 4 kịch bản nêu trên và cả 4 phương án đều đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng.