Tuyệt chủng từ khoảng 3,6 triệu năm trước, loài cá mập Megalodon được nhiều chuyên gia nhận định là có cơ thể dài 20 m, dựa trên các mẫu răng thu thập được.
Tuy nhiên, giới khoa học chưa thể thống nhất về kích thước của Megalodon do các nghiên cứu của họ chỉ dựa trên những hóa thạch ít ỏi có được từ cá mập này, đó là răng và đốt sống. Họ đoán rằng Megalodon chắc hẳn phải có hình dạng cơ thể khổng lồ như hậu duệ của chúng ở thời điểm hiện nay - loài cá mập trắng lớn.
Trong báo cáo nghiên cứu đăng trên tạp chí Palaeontologia Electronica ngày 22/1, một nhóm nhà khoa học quốc tế cho rằng Megalodon có thể giống với cá mập mako - một loài cá mập có thân hình mảnh khảnh.
Nhà sinh vật học Phillip Sternes thuộc Đại học California (Mỹ) cho biết: "Nhóm chúng tôi đã xem xét lại hồ sơ hóa thạch và phát hiện ra rằng Megalodon mảnh mai hơn so với chúng ta từng nghĩ".
Theo ông Sternes, loài cá mập này cũng có thể dài hơn so với hình dung trước đây của giới khoa học. Ông nhấn mạnh: “Loài động vật này có thể vẫn là loài săn mồi đáng gờm ở đầu chuỗi thức ăn biển thời cổ đại, nhưng cách hành xử của chúng sẽ khác đi dựa trên những gì chúng ta mới khám phá về cơ thể của nó”.
Nhà cổ sinh vật học Kenshu Shimada thuộc Đại học DePaul ở Chicago (Mỹ) - đồng tác giả của nghiên cứu trên - cũng cho rằng Megalodon "có thể không phải là loài có khả năng bơi mạnh mẽ" nếu so với cá mập trắng lớn. Ngoài ra, nhu cầu săn mồi của Megalodon cũng có thể ít hơn, do chúng có hệ thống tiêu hóa dài hơn. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến bí ẩn về sự tuyệt chủng của Megalodon.
Trước đây, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng loài cá mập này đã chết dần vì xung quanh có ít con mồi hơn. Tuy nhiên, những hình ảnh cập nhật về cơ thể của loài này lại chỉ ra một thủ phạm tiềm năng khác.
Ông Sternes cho biết: “Tôi tin rằng có sự kết hợp của nhiều yếu tố dẫn đến sự tuyệt chủng, nhưng một trong số đó có thể là sự xuất hiện của loài cá mập trắng lớn, loài vật có thể di chuyển nhanh nhẹn hơn và trở thành kẻ săn mồi thậm chí còn giỏi hơn cả Megalodon”.